Đại biểu Quốc hội ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Quân đội
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như sau: Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; Cấp tướng: 60.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 05/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn, QH họp phiên toàn thể, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương điều hành nội dung họp. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu nêu.
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ nhằm thu hút được nhân tài vào Quân đội
Qua thảo luận, các đại biểu (ĐB) đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam; cho rằng, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách trong luật, theo các ĐB, còn nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quân đội.
Theo đánh giá của các ĐB, từ năm 2014 khi Luật Sĩ quan QĐND năm 1999 được sửa đổi đến nay, có nhiều luật liên quan được ban hành. Do đó, việc trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam để QH xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp.
Một trong những nội dung sửa đổi đáng chú ý trong dự thảo luật lần này là Điều 13 quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như sau: Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; Cấp tướng: 60.
Cùng với đó, dự thảo luật cũng quy định, khi Quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 5 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Phát biểu tại biểu họp, ĐBQH Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) nhất trí với việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.
Việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách trong luật còn nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ QĐND Việt Nam. Theo ĐB này, việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như trên là cần thiết trong điều kiện hiện nay.
ĐB cũng nhất trí với dự thảo luật và các tài liệu liên quan, sĩ quan QĐND Việt Nam với vai trò là lực lượng nòng cốt của quân đội, là thành phần chủ yếu trong đội ngũ cán bộ quân đội, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý hoặc trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ, là lực lượng được đào tạo chuyên sâu.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu có thể nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam phù hợp với Luật Công an nhân dân, đồng thời thống nhất tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.
ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) bày tỏ thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật nhằm giải quyết được những bất cập trong thực tiễn về chức vụ, hạn tuổi phục vụ, cấp bậc quân hàm cũng như chế độ, chính sách, tiền lương đối với đội ngũ sĩ quan.
ĐB nêu thực tế cho thấy, các đồng chí sĩ quan Quân đội được đào tạo, huấn luyện trong môi trường có tính kỷ luật cao, lành mạnh nên có sức khỏe tốt. Do đó, nữ ĐB cho rằng, nếu đội ngũ sĩ quan nghỉ hưu ở độ tuổi sớm như luật hiện hành là “điều đáng tiếc”.
Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhất trí với việc tăng hạn tuổi trong dự thảo luật; cho rằng, việc tăng tuổi với sĩ quan phục vụ tại ngũ sẽ tăng thêm thời gian cũng như mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, làm gia tăng sự tích lũy đối với quỹ bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng trong các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn.
Còn ĐB Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nhất trí cao với việc nâng hạn tuổi như trên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nhất là trước tác động của các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống, cần phải phát huy sự cống hiến, phục vụ trong Quân đội đối với đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe và bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận sĩ quan khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Tại phiên họp, một số ĐB băn khoăn đối với việc nâng hạn tuổi với cấp tướng (60 tuổi); đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng Quân đội lên 62 tuổi, để bảo đảm tính thống nhất giữa các lực lượng vũ trang, bảo đảm trọng dụng nhân tài và tương quan giữa hai lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân...
Giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sỹ quan cấp tướng là 60 tuổi
Giải trình ý kiến ĐB nêu về việc phong quân hàm Thiếu tướng đối với Chỉ huy trưởng quân sự cấp tỉnh tương đương với Giám đốc Công an tỉnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho rằng không phải Công an Thiếu tướng thì Quân đội phải Thiếu tướng vì nhiệm vụ khác nhau.
“Tôi nói ví dụ giám đốc Công an tỉnh chỉ có 1 Thiếu tướng nhưng chúng tôi chỉ huy trưởng tỉnh liên quan đến chính ủy, mà chỉ huy trưởng tỉnh lại còn chỉ huy trưởng biên phòng tỉnh cũng chính ủy, rõ ràng 4 anh này như nhau mà lại chỉ chọn ra phong một anh thì khó cân lắm. Cho nên chúng tôi xin vẫn cứ Đại tá” – Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ.
Về đề xuất tăng tuổi hưu của sỹ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi, Bộ trưởng Phan Văn Giang chia sẻ do đặc thù riêng trong công tác tổ chức, chỉ huy trong quân đội, nên ông mong QH cho phép giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sỹ quan cấp tướng như trong dự thảo đề xuất là 60 tuổi.