Đại biểu Quốc hội và cử tri nói gì về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng?
Dù thời gian giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ GTVT chưa lâu (hơn 7 tháng) nhưng theo ĐBQH và cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã thể hiện sự am hiểu và đưa ra được những giải pháp xử lý nhiều vấn đề 'nóng' của ngành GTVT.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp):
Bộ trưởng GTVT trả lời rất trúng những câu hỏi của các đại biểu
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn Quốc hội sau khi nhậm chức không lâu. Dù thời gian làm lãnh đạo Bộ GTVT rất ngắn, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã trả lời rất thẳng thắn, rất trúng và rất đúng những yêu cầu, câu hỏi của các đại biểu đặt ra. Bộ trưởng rất bình tĩnh, tự tin với những câu trả lời của mình.
Tôi khá ấn tượng phần phát biểu trước khi trả lời chất vấn khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong nhiệm kỳ này, một trong những mục tiêu của ngành GTVT là đến năm 2025 sẽ hoàn thành 3.000km đường cao tốc. Đây là mục tiêu rất lớn. Đến nay đã là nửa nhiệm kỳ, ngành GTVT mới làm được khoảng 1/6 mục tiêu này. Vì vậy, từ nay đến 2025, để đạt được mục tiêu sẽ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương.
Để đạt được mục tiêu này, yếu tố cực kỳ quan trọng là nguồn lực và sự đồng hành của các ngành, các cấp, cũng như sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và sự phối hợp nhịp nhàng với các bộ, ngành, địa phương mới có thể thực hiện được.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội):
Bộ trưởng thể hiện sự cầu thị, đưa ra được định hướng, giải pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thành công cả phía đặt câu hỏi và phía trả lời.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đăng đàn, nhưng đã thể hiện bản lĩnh, trả lời thẳng thắn những câu hỏi đặt ra. Quan trọng nhất là thái độ trả lời rất cầu thị, đưa ra được định hướng, giải pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, có rất nhiều vấn đề lớn mang tầm vĩ mô. Vì vậy, nếu chỉ một Bộ trưởng trả lời thì sẽ khó đưa ra giải pháp mang tính toàn diện. Tiếp nối phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng là phần của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Tôi kỳ vọng Phó Thủ tướng sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp giải quyết những vấn đề như: Huy động nguồn lực trong lĩnh vực GTVT; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; tổ chức thực hiện Luật PPP hiệu quả; tăng tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội;… Đây là những vấn đề rất lớn.
Ông Lê Trung Tính (TP.HCM):
Bộ trưởng không né tránh, thẳng thắn nhận trách nhiệm
Lần đầu đăng đàn trả lời trước Quốc hội sau hơn 7 tháng nhậm chức nhưng "tư lệnh" ngành giao thông cơ bản đã nắm bắt và khái quát được những vấn đề nóng trong ngành, trả lời rất tốt và đi thẳng vào vấn đề trọng tâm mà các ĐBQH đặt ra.
Bên cạnh những kết quả tích cực mà ngành giao thông đã đạt được thì qua phiên chất vấn cũng đã nêu ra những bất cập, tồn tại và Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận rõ trách nhiệm thiếu sót của Bộ GTVT nhất là trong lĩnh vực của ngành đăng kiểm và công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đã không né tránh, nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và giải pháp thời gian tới. Đồng thời cam kết đưa ra những giải pháp và thời gian cụ thể để khắc phục, điều chỉnh những tồn tại.
Hiệp hội chúng tôi cũng đã từng kiến nghị về vấn đề khó khăn đăng kiểm xe và vừa qua đã được Bộ GTVT ghi nhận, nhanh chóng gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp trong việc miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm.
Về lời hứa của Bộ trưởng cuối tháng 6, đầu tháng 7 công tác đăng kiểm xe cơ giới sẽ trở lại bình thường, tôi cũng ghi nhận yếu tố tích cực và sẽ chờ xem kết quả.
Ông Trần Dân (SN 1937, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng):
Bộ trưởng GTVT trả lời thẳng vào những vấn đề cử tri cả nước quan tâm
Qua theo dõi nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng về những vấn đề của hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, cho thấy những thông tin giải đáp của Bộ trưởng không những đi thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra, mà còn đúng những điều mà cử tri cả nước quan tâm hiện nay.
Trước những vấn đề "nóng" của ngành thời gian qua như đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã cho biết đã chỉ đạo và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra toàn diện các trung tâm đăng kiểm, cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên phạm vi cả nước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thời gian tới, Bộ GTVT cần mổ xẻ, tìm ra những lỗ hổng, nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tiêu cực, tồn tại trong hoạt động đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe để khắc phục kịp thời. Trong đó, giải pháp căn cơ nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kể cả đột xuất từ Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam để kịp thời phát hiện những vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu cực, tồn tại.
Ông Nguyễn Văn Thư, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP.HCM:
Chờ đợi những giải pháp căn cơ để làm lành mạnh hóa hoạt động đăng kiểm
Trong phần trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đã thể hiện sự quan tâm đến các giải pháp của Bộ GTVT và cá nhân Bộ trưởng nhằm chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động đăng kiểm đi vào nề nếp, ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu. Trước các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đã chủ động nhìn nhận về những nguyên nhân, đồng thời giải đáp và cung cấp thông tin đầy đủ về những giải pháp quản lý, tổ chức mà lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm đã và đang triển khai để ổn định hoạt động đăng kiểm, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trong phần trả lời chất vấn đã thể hiện rõ quyết tâm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm. Theo tôi, việc này phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Đồng thời phân cấp quản lý, tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra các đơn vị đăng kiểm. Đây là những giải pháp căn cơ được chờ đợi sớm đi vào thực tế, góp phần lành mạnh hoạt động xã hội hóa đăng kiểm để tạo thuận lợi về công tác quản lý cũng như cho chủ phương tiện.
Hoạt động đăng kiểm sẽ được đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, các Sở GTVT phải chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tại địa bàn mình. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước. Việc tăng trách nhiệm đơn vị đăng kiểm gắn với chế tài xử lý vi phạm sẽ tránh tái diễn các bất cập trong công tác đăng kiểm như thời gian vừa qua.