Đại biểu Quốc hội: Xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) có ý nghĩa vô cùng quan trọng

Đại biểu cho rằng, việc trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn phù hợp với thực tiễn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tạo hành lang pháp lý mang tính ổn định, lâu dài

Góp ý về Luật Điện lực (sửa đổi) tại phiên họp tổ Quốc hội chiều 26/10, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - đoàn Sóc Trăng cho biết, trên cơ sở đánh giá, tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian qua, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến tính chưa đồng bộ, thiếu cơ sở pháp lý, quy định pháp luật, cơ chế đặc thù trong thực hiện đầu tư các dự án điện..., việc trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn và sửa đổi chủ yếu 62 điều, bỏ 4 điều, bổ sung 68 điều với một số điểm mới, phù hợp với thực tiễn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - đoàn Sóc Trăng

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - đoàn Sóc Trăng

Theo đại biểu, các tài liệu được công bố, lộ trình ngắn - trung hạn, cần phải tăng tổng nguồn cung điện 10-15%/năm mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của toàn nền kinh tế quốc gia, và trong dài hạn là phải theo lộ trình hướng tới mục tiêu Net-Zero (trung hóa Carbon) vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26.

Qua quá trình nghiên cứu các văn bản được trình tại kỳ họp này, về chính sách phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (tại khoản 8, điều 5) và phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (mục 1,2 chương III), đại biểu rất đồng tình ủng hộ các chính sách cụ thể để phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay và xu hướng của thế giới.

Đại biểu đề xuất, dự thảo Luật cần thể hiện cơ chế cụ thể, đồng bộ và nhất quán với chính sách phát triển năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (tại khoản 8, điều 5). Trước mắt, tiếp tục thực hiện tốt quan điểm của Chính phủ về thí điểm dự án như hiện nay, gia tăng nội lực, hướng đến làm chủ công nghệ, ít nhất ở khâu vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và tiến tới nội địa hóa các thiết bị.

Đồng thời, xem xét thúc đẩy các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức khoa học, đầu tư nguồn lực để chúng ta chủ động trên sân nhà trong việc khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi (các dịch vụ sau đầu tư của dự án điện gió hiện nay vẫn phụ thuộc gần như tuyệt đối vào các hãng tuabin).

Để hướng đến giảm phát thải, netzero cũng như thúc đẩy khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta đã có nhiều cơ chế và đã đạt được nhiều thành quả (tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện tăng cao).

Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định và nâng cao hơn nữa các nguồn điện sạch thì cần những giải pháp kỹ thuật/phương án hạn chế/bổ sung cho sự thiếu ổn định của nguồn điện sạch này thông qua việc: Xem xét xây dựng các trung tâm/dự án lưu trữ năng lượng quốc gia ở những nơi có tiềm năng về năng lượng (Sử dụng pin lưu trữ điện). Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các dự án thủy điện tích năng đang đầu tư xây dựng, hay các dự án khác đã có trong kế hoạch điện VIII.

Đại biểu đề xuất Luật Điện lực cần nghiên cứu và tạo hành lang pháp lý mang tính ổn định, lâu dài; tạo điều kiện cho các chính sách cụ thể để thể chế hóa các chủ trương, mục tiêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị trong việc khuyến khích phát triển các ngành điện sau khi các quy định khuyến khích về cơ chế giá FIT hết hiệu lực để tránh lãng phí nguồn lực của xã hội. Đồng thời, đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống điện trong xu thế tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày một tăng cao.

Về hành lang an toàn công trình điện gió, bà Triệu Thị Ngọc Diễm nhận xét, nhiều công trình, dự án nhà máy điện gió ở nước ta được triển khai trên đất liền. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì đối với công trình năng lượng chỉ có 3 loại công trình có hành lang bảo vệ an toàn (để đáp ứng điều kiện bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất hoặc hỗ trợ khi giảm khả năng sử dụng đất theo quy định pháp luật của Luật Đất đai) là công trình đường dây dẫn điện trên không, đường dây ngầm và trạm điện.

Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng chưa quy định cụ thể về “Hành lang an toàn công trình điện gió”, “Hành lang an toàn của cột tháp gió” do thiếu cụm từ “bảo vệ” nên nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, hỗ trợ cho người dân do hạn chế quyền sử dụng đất bị ảnh hưởng bởi hành lang công trình điện gió. Trong khi các cột tháp gió cũng là một bộ phận trong công trình điện gió.

Thực tế quá trình thi công và vận hành, cánh quạt gió lại nằm ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng thu hồi đất của cột điện gió. Do đó, khi gặp sự cố sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của người dân. Cụ thể gần đây có tình huống sét đánh vào cột gió rồi lan truyền dẫn đến thiệt hại tôm cá của người dân trong phạm vi dự án.

Theo đó, đại biểu đoàn Sóc Trăng đề xuất nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định hành lang bảo vệ đối với công trình, dự án điện gió để làm cơ sở cho các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, xem xét bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn để đảm bảo công trình điện gió không tác động xấu đến các tài sản/công trình xung quanh.

Phát triển bền vững nguồn điện tái tạo, năng lượng xanh

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - đoàn Bình Định nhận thấy, việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Điện lực mới thay thế cho Luật Điện lực năm 2004 là rất cần thiết và Dự thảo luật đã được nghiên cứu khá công phu.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - đoàn Bình Định

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - đoàn Bình Định

Tham gia một số ý kiến, đại biểu cho rằng, về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định một số nội dung mới như: Chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện hạt nhân. Những quy định này cần được kiểm nghiệm thực tế, đánh giá, hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc triển khai.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các luật đang được xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Thứ hai, về tính khả thi của dự án Luật, qua rà soát chúng tôi thấy rằng, hiện nay, trong dự thảo Luật hiện nay có tới 35 nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và 18 nội dung giao Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn, do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và nghiên cứu bổ sung quy định đảm bảo phù hợp, khả thi, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, tại Điều 4 “Giải thích từ ngữ”, Luật Điện lực là bộ luật tính chuyên môn kỹ thuật rất cao, vì vậy theo đại biểu phần giải thích từ ngữ phải rất sát với cách tiếp cận từ luật này. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các định nghĩa, khái niệm trong luật.

Đại biểu dẫn ví dụ, về ngữ nghĩa, giải thích lại từ “An toàn công trình thủy điện” và từ “An toàn điện” theo giải thích được hiểu là “các biện pháp tổ chức và phương tiện kỹ thuật”. Như vậy, nội dung giải thích 2 khái niệm này chưa tương thích với nhau. Một bên an toàn là chỉ về thực trạng, còn nội dung toàn bộ nội hàm giải thích lại có tính các hành động, quy định để đảm bảo sự an toàn đó.

Bên cạnh đó, trong dự thảo luật nhiều cụm từ "chi phí hợp lý, hợp lệ" và "lợi nhuận hợp lý", “bảo vệ công trình điện lực” và cụm từ “bảo đảm an toàn điện lực” xuất hiện nhiều lần, về nội hàm các thuật ngữ này tính chuyên môn rất cao, và chi phối đến các nội dung, điều luật cụ thể.

Chẳng hạn như cụm từ "chi phí hợp lý, hợp lệ" và "lợi nhuận hợp lý" xuất hiện nhiều lần trong việc xác định giá điều độ vận hành hệ thống điện, giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá truyền tải điện, lập quy hoạch, đấu thầu; còn cụm từ “bảo vệ công trình điện lực” và cụm từ “bảo đảm an toàn điện lực” được sử dụng nhiều lần và toàn bộ các điều từ Điều 102 đến Điều 108 và từ Điều 110 đến Điều 115 Chương VII. Tuy nhiên, chưa được giải thích cụ thể.

Vì vậy, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung giải thích thêm các từ ngữ nêu trên mà mang tính chuyên môn kỹ thuật cao và có ảnh hưởng tác động trực tiếp đối với các điều luật ở trong dự thảo.

Đại biểu cũng đồng tình cao về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, đặc biệt là chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới tại khoản 9 điều 5.

Song để đảm bảo phát triển bền vững nguồn điện tái tạo, điện năng lượng, năng lượng xanh, đại biểu đoàn Bình Định kiến nghị trong luật cần tiếp tục rà soát, tham chiếu các quy định pháp luật liên quan để có quản lý, phát triển, sử dụng phù hợp. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung 1 khoản hành vi bị cấm vào điều 8 dự thảo Luật đó là: “Thải ra môi trường các chất thải nguy hại tới môi trường từ các nhà máy điện, công trình điện…

Băn khoăn về sử dụng đất, sử dụng khu vực biển cho các dự án điện (điều 25), đại biểu nhận định, các dự án điện gió ngoài khơi hiện nay vẫn chưa có quy định cho thuê mặt nước biển để thực hiện. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đề xuất bổ sung quy định về cho thuê mặt nước biển để có căn cứ pháp lý thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi.

Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về "trách nhiệm của nhà đầu tư" tại Điều 23 trong việc sử dụng đất và sử dụng khu vực biển nhằm bảo vệ quyền lợi của cộng đồng dân cư và sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.

Cuối cùng, với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp ô tô điện, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn xe điện như một giải pháp thay thế, vừa tiết kiệm vừa thân thiện với môi trường. Từ đó, đầu tư vào hệ thống trạm sạc để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến nội dung này.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực quy định về đầu tư xây dựng hệ thống các trạm sạc điện như: Quy hoạch; giấy phép hoạt động điện lực; an toàn điện; quản lý, vận hành… Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét đưa vào dự thảo nội dung quy định cấp Giấy phép hoạt động điện lực đối với việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc tại Chương IV Giấy phép hoạt động điện lực.

Chủ động, linh hoạt hơn trong công tác cấp phép hoạt động điện lực

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - đoàn Hà Giang góp ý,tại Khoản 2. Điều 14. Nội dung lập, phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch nêu “2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, trong đó có kế hoạch thực hiện phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh”.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - đoàn Hà Giang

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - đoàn Hà Giang

Ông Định đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh. Điều này để sớm thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tại Khoản 2, Điều 18. Quy định chung về đầu tư xây dựng nêu: “2. Các trường hợp không phải đánh giá phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh: a) Các dự án quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật này; b) Dự án lưới điện trung áp”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ nội dung khoản 2 Điều 18, đại biểu cho rằng, theo quy định Khoản 2 Điều 10 Dự thảo quy định: Tổng khối lượng lưới điện trung áp là một nội dung quan trọng thuộc phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh.

Các dự án quy định tại khoản 3 Điều 10 Dự thảo đã quy định các trường hợp không thuộc phạm vi cấp Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh.

Mặt khác, việc đầu tư công trình lưới điện trung áp theo quy hoạch giúp cơ quan nhà nước tại địa phương phát huy hiệu quả công tác quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư xây dựng công trình điện của các đơn vị đện lực và các chủ đầu tư, đảm bảo không vượt quá quy mô tổng khối lượng lưới điện trung áp trên địa bàn dẫn đến những biến động bất thường về nhu cầu nguồn cấp điện, phá vỡ kết cấu quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh.

Ngoài ra, theo quy định Khoản 1, Điều 4 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng của Luật Xây dựng: “Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của Nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Tại Điểm a, Khoản 2 Điều 19. Quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực nêu: “a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt danh mục dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp cần đầu tư trên địa bàn trên cơ sở đề xuất của các đơn vị điện lực, nhà đầu tư bảo đảm không vượt khối lượng đã phê duyệt trong phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh”.

Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo xem xét bổ sung, sửa đổi như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt danh mục dự án đầu tư lưới điện trung ápcần đầu tư hằng nămtrên địa bàn trên cơ sở đề xuất của các đơn vị điện lực, nhà đầu tư bảo đảm không vượt khối lượng đã phê duyệt trong phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh”.

Lý do theo đại biểu để thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 10 Dự thảo là lưới điện hạ áp không thuộc phạm vi cấp Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh.

Tại Khoản 2, Điều 58. Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa lại như sau: “2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán buôn điện,bán lẻ điện trong phạm vi địa phương theo quy định của Chính phủ..."

"Lý do để phát huy vai trò cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, chủ động, linh hoạt hơn trong công tác cấp phép hoạt động điện lực trên địa bàn, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền của Chính phủ" - đại biểu nói.

Mặt khác, khoản 5, Điều 92. Quản lý nhu cầu điện, đại biểu Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung, sửa lại như sau: “Bộ Công Thương ban hành quy định về thực hiện chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện, quy định về giờ cao điểm, giờ thấp điểm, giờ bình thường”.

Theo đại biểu, nhằm phát huy hiệu quả Chương trình Quản lý nhu cầu điện của quốc gia và các địa phương, cần thiết phải có quy định mang tính bắt buộc và chế tài xử phạt phù hợp theo từng giai đoạn, thời kỳ phát triển ngành năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-xay-dung-luat-dien-luc-sua-doi-co-y-nghia-vo-cung-quan-trong-354934.html