Đại biểu Thạch Phước Bình: Cần có biện pháp hiệu quả để thu hồi, nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản tiền sai phạm sau kiểm toán

Sáng ngày 05/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.

Đối với nhóm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn đối với 03 nhóm: Thứ nhất, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; Thứ hai, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; Thứ ba, giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Phiên chất vấn đã có 35 đại biểu đăng ký phát biểu, trong đó, có một ý kiến tranh luận. Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội cụ thể, bám sát nội dung chất vấn. Tổng Kiểm toán nhà đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra; đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.

Đại biểu Thạch Phước Bình, chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước (Ảnh: media.quochoi.vn)

Đại biểu Thạch Phước Bình, chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia chất vấn đối với lĩnh vực kiểm toán, đại biểu Thạch Phước Bình, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, số kiến nghị về tài chính chưa thực hiện đến ngày 31/12/2023 là 67.513,03 tỷ đồng, trong đó nguyên nhân chưa thực hiện thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 39.803,83 tỷ đồng, chiếm 59%, số tiền và tỷ lệ chưa thực hiện này rất cao. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết các nguyên nhân và giải pháp để yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, sớm nộp các khoản phải thu về cho ngân sách.

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Thạch Phước Bình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết về nguyên nhân chậm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thuộc đơn vị được kiểm toán chiếm hơn 59% là do ý thức, trách nhiệm dẫn đến chây ỳ, chưa tổ chức thực hiện; đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính; chờ hướng dẫn của cơ quan cấp trên và thủ tục thanh quyết toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn sáng 05/6/2024. Ảnh: media.quochoi.vn

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn sáng 05/6/2024. Ảnh: media.quochoi.vn

Về các giải pháp trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán cho biết sẽ thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách Nhà nước. Về góc độ Kiểm toán, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, tiếp tục theo dõi, đôn đốc, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán được thực thi hiệu quả nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của báo cáo kiểm toán.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị và có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới Tổng Kiểm toán Nhà nước kịp thời đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là những vấn đề dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Kiểm toán nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi công vụ; các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

KIẾN QUỐC

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/dai-bieu-thach-phuoc-binh-can-co-bien-phap-hieu-qua-de-thu-hoi-nop-ngan-sach-nha-nuoc-doi-voi-cac-khoan-tien-sai-pham-sau-kiem-toan-37720.html