Đại biểu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác: Những 'hiệp sĩ' áo xanh của bản làng
Danh từ 'hiệp sĩ' hay được bà con dân tộc thiểu số vùng sâu miêu tả về các cán bộ Đoàn bám bản, hỗ trợ người nghèo và đánh thức tiềm năng du lịch những vùng đất 'ngủ quên'.
Sáng kiến vì cộng đồng
Rời bản Na Nát (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) sau 6 năm làm công tác Đoàn, Đại úy Lò Văn Long nhận nhiệm vụ làm cán bộ Đoàn Công an tỉnh Điện Biên từ năm 2017 với bao nỗi trăn trở khi chứng kiến dòng sông Nậm Rốm ngày càng bị “bủa vây” bởi rác thải. Trong khi, Nậm Rốm như một “chứng nhân” lịch sử, mang trong mình những lớp trầm tích của thời gian và trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở đất Mường Then (Mường Trời) bao đời nay.
Thấy vậy, anh Long đã phát động mô hình “Bảo vệ dòng sông quê hương” từ cuối năm 2020 với gần 20 đợt ra quân mỗi năm để dọn dẹp rác thải trên sông.
“Sau 3 năm Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phối hợp với lực lượng công an địa phương thực hiện mô hình này đã có sự thay đổi tích cực từ việc tuyên truyền tới người dân không họp chợ mà cải tạo thành con đường đi bộ đẹp, công viên sạch sẽ. Nay, người dân đều có ý thức hơn và góp phần trả lại “thanh quản” cho dòng sông lịch sử”, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Điện Biên cho biết.
Xuất thân từ bản làng nghèo khó lại thêm sự tự ti, có rào cản khi là người dân tộc, sau hơn 10 năm gắn công tác Đoàn với vùng quê mình sinh sống, anh Long càng thêm thấu hiểu những cái khó của bà con nơi đây.
Vì vậy, những sáng kiến, dự án của anh luôn gắn liền với cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao dân trí. "Mỗi chuyến công tác về bản, bà con lại hồ hởi gọi tôi với cái tên "hiệp sĩ" cùng sự yêu quý, cởi mở. Đó cũng là động lực thúc đẩy tôi thực hiện nhiều dự án ý nghĩa hơn để xứng đáng với tên gọi ấy", anh Long kể.
Song song với nhiệm vụ “giải cứu” dòng sông lịch sử, Đại úy Long đã sáng kiến dự án “Cùng em đến trường – 1.000 đồng mỗi ngày, hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”. Theo đó, mỗi đoàn viên, thanh niên, cán bộ, chiến sĩ Công an sẽ tham gia đóng góp vào hòm tiết kiệm trong mỗi buổi sinh hoạt để san sẻ với các em học sinh khó khăn, tiếp bước em đến trường.
Đến nay, mô hình đã đỡ đầu, chăm sóc thường xuyên cho nhiều em thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn với mức hỗ trợ trung bình từ 300.000 đồng/tháng mỗi em học sinh. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Điện Biên cũng đã và phối hợp xây dựng 3 thư viện, 4 nhà bán trú, 9 điểm trường cho trẻ em tại điểm trường khó khăn với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng.
11 năm làm công tác Đoàn, Đại úy Lò Văn Long luôn tâm niệm: “Chỉ có sức mạnh của tập thể, sự dốc sức, dốc lòng, căng tràn nhiệt huyết của mỗi đoàn viên, thanh niên Công an Điện Biên mới có thể đưa phong trào đoàn phát triển, mang đến những ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc trong từng hoạt động đến với nhân dân trên địa bàn”.
Đánh thức tiềm năng du lịch trên vùng đất “ngủ quên”
“Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới” là sáng kiến của nữ Bí thư Đoàn xã Lô Thị Đài Trang (xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) khi nhận thấy số hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn nhiều, chưa được cải thiện.
Nằm trong dòng chảy của văn hóa dân tộc, vốn là trung tâm vùng Xiềng Men ngày xưa, nên xã Yên Hòa, huyện Tương Dương còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, đặc biệt là của dân tộc Thái và Khơ mú.
Chị Trang nhận thấy, nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn mang đậm nét văn hóa đặc sắc là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn; các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí khá phù hợp có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch cộng đồng…
“Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đoàn Thanh niên của xã phối hợp cùng UBND huyện xây dựng thành công 2 điểm đến gồm điểm dừng chân Rừng Săng lẻ bản Yên Tân và hệ thống 40 cọn nước gắn liền với nền văn hóa thủy nông của đồng bào Thái tại Bản Coọc”, chị Trang cho biết.
Trong đó, đoàn viên, thanh niên địa phương trực tiếp tham gia hướng dẫn, phục vụ du lịch, biểu diễn các loại nhạc cụ như trống, chiêng, đao đao; phát triển các ngành nghề truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm; tham gia quản lý homestay… Từ đó, các dịch vụ kèm theo như làm đẹp, cung cấp thực phẩm, văn nghệ đều mang lại thu nhập ổn định cho thanh niên nông thôn và bà con bản làng.
Những tín hiệu tích cực từ sáng kiến của nữ cán bộ Đoàn đã được các xã như Xá Lượng, Yên Thắng, Tam Quang, Thành Sơn (Anh Sơn)… đến tham quan, học tập và triển khai có hiệu quả, tạo nên hiệu ứng cho các bản làng khác.
Đại úy Lò Văn Long và chị Lô Thị Đài Trang là những cán bộ Đoàn tiêu biểu nhận giải thưởng Lý Tự Trọng do T.Ư Đoàn trao tặng và sẽ tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VII năm 2023.