Đại biểu Tiền Giang đóng góp nhiều ý kiến cho 2 dự án luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 21-10, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo và tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều.
Cho ý kiến về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Văn Dương, cho rằng, SHTT là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế trí thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trải qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật SHTT đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đối so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật SHTT.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cần hoàn chỉnh thêm nhiều chi tiết trong dự thảo như: Cần quy định rõ hơn quyền tác giả, bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ). Các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) được quy định rõ ràng và cụ thể, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ được thuận lợi hơn.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với các điều, khoản quy định về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; quy định cụ thể đối với tác giả, đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt hành chính…
Đối với Dự án Luật Cảnh sát cơ động, bố cục gồm 5 chương, 31 điều. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng, dự án luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc để cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, cân nhắc một cách cẩn trọng, từng điều quy định cho phù hợp với hệ thống pháp luật và thực tiễn…