Đại biểu Tráng A Dương: Chính phủ quyết liệt hơn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương triển khai các Chương trình MTTQ

BHG-Ngày 31.5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023. Đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã tham gia thảo luận một số nội dung.

Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận

Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận

Đại biểu Tráng A Dương nhất trí cao với các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong báo cáo của Chính phủ. Đồng thời đề xuất: Về việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 được cử tri, nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng, đồng tình ủng hộ. Việc triển khai Chương trình giai đoạn 1 (2021-2025) đã cơ bản hoàn thành ban hành cơ chế quản lý, các quy định, định mức, hướng dẫn tổ chức thực hiện; các nội dung của chương trình được tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, theo đại biểu, đến thời điểm này còn một số tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoặc đã có nhưng còn mâu thuẫn, không thống nhất dẫn đến các địa phương lúng túng, chậm triển khai, tiến độ giải ngân đạt thấp, gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn, làm chậm tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch, tạo áp lực giải ngân nguồn vốn cho các địa phương trong khi nguồn vốn thực hiện Chương trình là rất lớn.

Đại biểu Tráng A Dương trăn trở: Chậm triển khai 1 ngày là thêm 1 ngày người dân vùng đồng bào DTTS&MN chờ đợi để được tiếp cận chính sách, và thêm 1 ngày nguồn lực đầu tư cho chương trình không giải ngân được. Dù đã bước sang năm thứ 3 thực hiện, nhưng các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho người dân chưa thể triển khai; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ tham gia thực hiện chương trình chưa có cơ sở thực hiện, trong khi đây là các nhiệm vụ rất cần đẩy mạnh và phải thực hiện trong thời gian đầu triển khai Chương trình. Bên cạnh đó việc giao vốn sự nghiệp chi tiết đến từng dự án và chỉ giao theo từng năm (chưa giao kế hoạch vốn sự nghiệp trung hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Nghị định 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ), dẫn đến các địa phương khó khăn trong việc chủ động quản lý, sử dụng vốn.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư khẩn trương đẩy nhanh việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo quy trình, thủ tục ngắn gọn bảo đảm sát tình hình thực tiễn và phù hợp với năng lực thực thi của cấp cơ sở. Thực hiện phân bổ vốn sự nghiệp trung hạn để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch trung hạn thực hiện chương trình MTQG, thay vì liên tục điều chỉnh hàng năm theo phân bổ vốn thực tế hiện nay.

Đại biểu Tráng A Dương thông tin: Hà Giang với đặc điểm vùng cao núi đá, địa hình núi dốc, nhiều thung lũng sâu dạng khép kín, có ít mạng lưới sông suối và nguồn nước ngầm, là khu vực thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là về mùa khô.

Người dân Hà Giang, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn, thiểu nước trầm trọng từ đầu năm tới nay do khô hạn kéo dài, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, cuộc sống sinh hoạt vô cùng khó khăn. Không chỉ năm nay mà đã rất nhiều năm trở lại đây, vào mùa khô, người dân phải đi hàng chục cây số để chở từng can nước về phục vụ cuộc sống sinh hoạt; nhiều nơi cây trồng không cho thu hoạch, hàng nghìn héc-ta hoa màu khô héo, nguy cơ mất trắng mùa màng và tái nghèo lại hiện hữu trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Mặc dù Chính phủ đã đầu tư, có nhiều giải pháp và hỗ trợ Hà Giang triển khai các dự án nâng cấp các hồ chứa thủy lợi, hồ treo trữ nước sinh hoạt với gần 4.000 công trình thủy lợi nhỏ, trên 870 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng tất cả chủ yếu vẫn phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm, “có mưa thì có nước”. Các “hồ treo”, công trình thủy lợi nhỏ không đủ tích trữ nước lâu dài phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Các chính sách hỗ trợ đồng bào thoát nghèo cũng không phát huy được nếu không có nước sản xuất.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Cử tri Hà Giang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng các công trình: Hồ chứa đa mục tiêu phục vụ cấp nước sinh hoạt và cấp nước cho các ngành kinh tế khác; “Hồ treo” trữ nước, cấp nước sinh hoạt và công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy.

Theo đại biểu, các công trình này không chỉ giúp ổn định cả về trữ lượng và chất lượng nước, mà còn từng bước thay thế nguồn nước mặt không ổn định, chưa qua xử lý như trước đây, từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân vào mùa khô, đặc biệt góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, sức khỏe của người dân, ổn định dân cư, giữ vững an ninh biên giới và đóng góp vào hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của quốc gia.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202306/dai-bieu-trang-a-duong-chinh-phu-quyet-liet-hon-day-manh-phan-cap-phan-quyen-cho-dia-phuong-trien-khai-cac-chuong-trinh-mttq-e5d464e/