Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH Hà Giang góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người
BHG - Sáng 24.6, tiếp tục chương trình làm việc đợt 2 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng nghe Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) và thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người. Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận và đóng góp một số ý kiến vào dự thảo Luật này.
Đại biểu Tráng A Dương cho rằng, việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thi hành, một số quy định của Luật đã không còn phủ hợp với thực tiễn, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung.
Theo đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tại khoản 1 Điều 2 Dự thảo quy định: "Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên". Quy định như dự thảo chưa phù hợp với quy định tại Điều 150 và Điều 151 của Bộ luật hình sự 2015. Đại biểu đề nghị cần xem xét để giải thích rõ ràng hơn và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.
Về quy định nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới, dự thảo Luật đã thể hiện một số nguyên tắc về giới và bình đẳng giới trong các quy định tại các Điều 3, 4 7. Tuy nhiên, đây vẫn là những quy định trung tính về giới, chưa thể hiện rõ nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong phòng, chống mua bán người. Phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương hơn trước nạn mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục, trong khi nam giới và trẻ em trai là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động hoặc các hoạt động tội phạm. Những tổn thương giữa nạn nhân nam và nạn nhân nữ cũng tương đối khác nhau về mức độ trầm trọng.
Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong công tác phòng, chống mua bán người tại Điều 4; đây cũng là nguyên tắc bao trùm, định hướng toàn bộ công tác phòng, chống mua bán người.
Về quy định quyền của nhóm trẻ được sinh ra trong quá trình mẹ bị lừa bán ra nước ngoài. Theo đại biểu, dự thảo Luật đã có một số quy định về việc bảo vệ trẻ em nhưng thường được tiếp cận theo hướng trẻ em là nạn nhân mua bán người, còn trẻ em có mẹ là nạn nhân của tội phạm mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục thì chưa có quy định rõ ràng. Đề nghị cần bổ sung quy định về quyền của nhóm trẻ được sinh ra trong quá trình mẹ bị lừa bán ra nước ngoài để cho đầy đủ và dễ triển khai thực hiện.
Tại Khoản 1 Điều 21 trong dự thảo Luật quy định đối tượng nhận tin tố giác, báo tin tố cáo với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, UBND cấp xã. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa bao quát hết các tình huống trong thực tế vì khi đối tượng đang hoạt động trên biển thì báo tin cho ai? Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm cơ quan nhận tin tố giác là cảnh sát biển về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo.
Theo đại biểu tại Điều 34 dự thảo Luật quy định ba đối tượng bảo vệ là nạn nhân, người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân, người thân thích của nạn nhân. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng bảo vệ quy định trong điều Luật này là: “người dưới 18 tuổi đi cùng với nạn nhân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, người tố giác, người làm chứng, người thân thích của họ khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại trong quá trình tham gia phòng, chống mua bán người". Vì theo quy định tại các điều khoản khác trong Dự thảo thì các đối tượng này cũng được bảo vệ, hỗ trợ.