Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: 'Còn nhiều tồn tại, lãng phí trong thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia'

BHG - Tiếp tục chương trình nghị sự, sáng 29.5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung tại Hội trường Diên Hồng về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Quang cảnh phiên họp sáng 29.5

Quang cảnh phiên họp sáng 29.5

Tại phiên họp này, đồng chí Hầu Minh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cùng Đoàn đại biểu HĐND tỉnh tham gia dự thính.

Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ và kết quả thực hành tiết kiệm năm 2023. Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nêu nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng chỉ ra khá nhiều hạn chế, lãng phí và đưa ra nhiều giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang và Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bên lề phiên họp sáng 29.5

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang và Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bên lề phiên họp sáng 29.5

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), qua giám sát và phản ánh, kiến nghị của cử tri, đại biểu cho rằng còn nhiều tồn tại, lãng phí nguồn lực trong thực hiện 3 chương trình này.

Theo đại biểu, những lãng phí trong triển khai 3 chương trình MTQG do chậm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn chi tiết. Tồn tại này diễn ra ngay từ năm đầu thực hiện chính sách nhưng đến nay vẫn còn lúng túng, chưa được khắc phục, nhất là những vướng mắc trong lồng ghép vốn của các chương trình. Công tác phân bổ ngân sách T.Ư cho chương trình tiếp tục bị chậm. Đại biểu dẫn chứng: Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách T.Ư của các chương trình chỉ đạt trên 46% kế hoạch, bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2023. Riêng giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách T.Ư của Chương trình MTQG nông thôn mới đến 31.6.2023 mới đạt 9,17% kế hoạch; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chỉ đạt 6,53%...

Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận.

Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận.

Đại biểu Tráng A Dương cho rằng, đến nay đã gần 3 năm triển khai 3 Chương trình MTQG, là thời điểm thích hợp để đánh giá những kết quả bước đầu của các chương trình này. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình MTQG. Trên cơ sở chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế để có giải pháp phù hợp. Mạnh dạn đưa ra khỏi chương trình những dự án chưa triển khai; cũng như những dự án, nhiệm vụ không thể triển khai hoặc triển khai nhưng dự kiến sẽ không đạt kết quả, hiệu quả như mong muốn, nội dung một số dự án không còn đối tượng được hỗ trợ để dành nguồn vốn cho những nhiệm vụ, dự án đang làm tốt hơn, hiệu quả hơn nhưng đang thiếu vốn.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt; các bộ, ngành tăng cường công tác hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; có cơ chế để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở những địa bàn triển khai chương trình chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa; cán bộ thực hiện nhiệm vụ trực tiếp nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Vấn đề thứ 2 đại biểu Tráng A Dương nêu, nhìn vào kết quả triển khai Nghị quyết số 74 của Quốc hội, đại biểu cảm nhận về sự chưa quyết tâm, chưa nghiêm túc trong triển khai nghị quyết của Quốc hội khi nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới đang bắt đầu triển khai, kết quả báo cáo trước Quốc hội chưa được như yêu cầu đề ra. Dẫn chứng về nhận định trên, đại biểu nêu đối với nhiệm vụ, giải pháp xử lý các công trình chậm tiến độ: Trong 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước không hiệu quả hoặc lãng phí mới có phương án xử lý 17 dự án; trong 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ mới có phương án xử lý 11 dự án; đối với 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc, để đất đai hoang hóa, lãng phí mới có phương án xử lý 14 dự án.

Theo đại biểu Tráng A Dương, để giải quyết những hạn chế nêu trên cũng như hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã quy định tại Nghị quyết 74 là hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao và cách triển khai phù hợp. Vì vậy, kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên cơ sở Nghị quyết số 74 của Quốc hội và Nghị quyết số 53 của Chính phủ, cần xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và có thời hạn hoàn thành cụ thể. Kiến nghị Bộ Tài chính thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202405/dai-bieu-trang-a-duong-doan-dbqh-tinh-ha-giang-con-nhieu-ton-tai-lang-phi-trong-thuc-hien-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-00b5b89/