Đại biểu trẻ em thảo luận sôi nổi chủ đề bạo lực, xâm hại trẻ em
Trước phiên họp toàn thể Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023 diễn ra sáng nay (10/9), chiều 9/9, 263 đại biểu trẻ em đã thảo luận sôi nổi tại 8 tổ về 2 chủ đề: 'Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em' và 'bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng'.
Tham dự phiên thảo luận có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức chương trình.
76,2% trẻ bị bạo lực, xâm hại do thiếu hiểu biết
Chủ đề về phòng, chống tai nạn, bạo lực, xâm hại trẻ em trở nên “nóng” tại tổ thảo luận số 3, khi các đại biểu “Quốc hội trẻ em” thẳng thắn chia sẻ câu chuyện bản thân từng là nạn nhân của bạo lực từ ngôn từ xúc phạm, đến nhóm anti tấn công khiến bản thân rơi vào stress, thậm chí mất niềm tin vào bản thân, cuộc sống.
Bạn Trần Thị Tuyết My (trường THCS Nguyễn Công Trứ, Bà Rịa – Vũng Tàu) bị cô lập, tấn công vì đã đứng ra phản đối bạo lực, bảo vệ bạn. Tuy nhiên, My đã bản lĩnh vượt qua tất cả, vì em đã được tiếp xúc với tổ tư vấn tâm lý học đường từ sớm nên được trang bị kỹ năng làm chủ cảm xúc.
Từ câu chuyện bản thân, Tuyết My cho rằng, bạo lực học đường thường đến từ những điều rất nhỏ, có khi chỉ là hiểu nhầm hay không thích một điều gì đó ở bạn. Vì vậy, thầy cô cần thực sự quan tâm sát sao học sinh để có phát hiện kịp thời diễn biến tâm lý học sinh, từ đó có sự nắm bắt, điều chỉnh kịp thời, không để mọi việc đi quá xa.
Đặc biệt, Tuyết My đề xuất cần có giờ học kết nối yêu thương cho học sinh để đẩy lùi bạo lực. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý học đường để trang bị kỹ năng, kiến thức, bản lĩnh cho học sinh tự vượt qua những cú sốc trong cuộc sống.
Bạn Bùi Thị Quỳnh Chi (học sinh lớp 9C, trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ, Hà Tĩnh), tổ trưởng tổ thảo luận số 3 kể, bản thân từng bị cô lập, nói xấu chỉ vì giọng nói địa phương không giống các bạn trong lớp. Quỳnh Chi từng buồn phiền, chán nản nhưng may mắn được bố mẹ động viên, cùng sự giúp đỡ của thầy cô nên bản thân đã dần vượt qua và tự tin vươn lên học tốt, trở thành cán bộ Đội gương mẫu xuất sắc.
Báo cáo kết quả khảo sát về thực trạng bạo lực và xâm hại trẻ em, Quỳnh Chi cho biết, các trẻ em chia sẻ bản thân mình và bạn bè nơi mình sinh sống đã từng bị bạo lực, xâm hại bởi nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Một điều đáng lo ngại là các em cho rằng, các hành vi xâm hại ở hầu hết hình thức đều có xảy ra mức độ thỉnh thoảng (chiếm trên 15%). Nhận định của trẻ em về xâm hại tình dục trẻ em, tảo hôn ở mức thỉnh thoảng cũng chiếm tỷ lệ tỷ lệ khá cao (11,96% và 15,07%).
Các hành vi “đánh đập, tát, túm tóc, đấm đá…” gây tổn hại về sức khỏe, thể chất của trẻ em”; “chửi mắng, lăng mạ, sỉ nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bỏ mặc gây hại về tinh thần trẻ em”; “nói xấu, bôi nhọ, cắt ghép hình ảnh”, có 9,6% trẻ em cho rằng có xảy ra tại cộng đồng, 11% trẻ em cho rằng có xảy ra tại cộng đồng và 6% trẻ em cho rằng có xảy ra tại gia đình.
Nhiều trẻ em do sợ bị trả thù, xấu hổ, mặc cảm nên đã im lặng chịu đựng không nói ra. Quỳnh Chi cho biết thêm, nguyên nhân cao nhất dẫn đến bạo lực, xâm hại là do trẻ em chưa có hiểu biết về vấn đề bạo lực, xâm hại và chưa có kỹ năng phòng chống (chiếm hơn 76,2%).
Trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước
Thảo luận tại tổ số 1, bạn Tạ Mai Anh, trường THCS Thái Thụy, Thái Bình cho rằng, tai nạn đuối nước ở trẻ em thực sự là vấn đề nhức nhối, dù đã có nhiều giải pháp đưa ra.
Mai Anh cho rằng, cần trang bị kỹ năng cần thiết cho trẻ em, không chỉ dạy bơi mà cần trang bị kỹ năng xử lý khi bị chuột rút, cứu người đuối nước. Quá trình tuyên truyền cần tăng cường truyền đạt nội dung thiết thực, dễ hiểu, giáo dục, nhắc nhở nâng cao nhận thức của trẻ em không tham gia bơi lội ở sông, ao, hồ sâu. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành và toàn xã hội thông qua các hoạt động ý nghĩa để bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn đuối nước.
Bạn Phạm Minh Ánh, lớp 9A5, trường THCS Kim Đồng, Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Ninh, tổ phó tổ thảo luận số 1 chia sẻ, mong muốn lớn nhất của bản thân tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em là có một giải pháp tổng thể phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Theo Ánh, mỗi dịp hè về, thông tin về những vụ đuối nước thương tâm khiến bản thân rất ám ảnh. Vì vậy, em mong muốn, các cấp, ngành, tổ chức mở rộng mô hình và lớp dạy bơi tại các địa phương. Đặc biệt là xây dựng mô hình các lớp học bơi, lớp phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em gắn với đặc điểm từng địa phương, vùng miền để có hiệu quả tốt nhất.