Đại biểu ủng hộ thành lập sàn giao dịch vàng để giảm bớt áp lực trên thị trường

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, một thế giới xung đột vũ trang, bất ổn, giá vàng sẽ biến động theo chiều hướng gia tăng, sức cầu rất lớn và có thể gây áp lực chính sách tiền tệ ở các quốc gia.

Sáng nay (11/11), Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Vấn đề quản lý thị trường vàng trở thành vấn đề “nóng” cả trong hội trường và cả bên hành lang Quốc hội.

Trả lời phỏng vấn bên hành lang sáng 11/11, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng SJC để bình ổn là một biện pháp hiệu quả và chính sách tích cực.

Để quản lý thị trường vàng, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP, đặc biệt cho phép các doanh nghiệp trong nước có điều kiện được kinh doanh vàng nguyên liệu.

Đại biểu cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên mua vàng, bán vàng và phải mua lại, chứ không chỉ bán ra mà không mua. Lượng vàng trong dân hiện nay rất nhiều, nhiều người xem đây là nguồn dự trữ an toàn. Nhưng cũng có người rất cần tiền, bán vàng ra để tiêu dùng thì bán không được. Ngân hàng, cửa hàng vàng không mua, như vậy rất khó cho dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quốc hội

“Tôi đề nghị Nhà nước nên duy trì bán vàng để bình ổn giá vàng, đồng thời phải mua lại vàng khi người dân cần bán”, ông Hòa nói.

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, lượng dữ trữ ngoại hối trong dân hiện rất nhiều, nhưng chúng ta lại không huy động mà huy động vốn từ nước ngoài, phải trả lãi. “Tại sao trong nước không huy động, mình huy động trong dân, trả lãi cho dân thì dân sẽ có lợi. Đây là điểm tôi đề xuất, kiến nghị với Chính phủ”, lời đại biểu.

Cũng trả lời báo chí bên hành lang sáng 11/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, thị trường vàng hiện nay biến động rất mạnh và nhanh, thậm chí từng giây, từng phút theo tình hình kinh tế chính trị của xã hội thế giới. Giá vàng thế giới đã tăng từ 2.000 USD lên 2.700 USD/ounce. Như vậy từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 30%-35%.

Qua theo dõi giá vàng quốc tế trong 40 năm qua, đại biểu cho hay giá vàng thường tăng cao khi có những cú sốc trên thị trường như: Khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế, lạm phát cao, chiến tranh… Hay có dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất hay giảm lãi suất, giá vàng cũng lập tức biến động.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: HL

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: HL

Những lúc thế này, nhà đầu tư, tổ chức tài chính, cá nhân thường mua vàng để phòng thân, bảo tồn vốn. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng sẵn sàng chuyển trạng thái dự trữ ngoại hối thay vì dự trữ USD sẽ chuyển sang dự trữ vàng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đồng thời, các nhà đầu tư thấy ít kênh đầu tư khả quan thì sẽ tập trung vào vàng. Do đó, nhu cầu tăng cao đột biến khiến giá vàng bị đẩy lên.

Giá vàng trong nước lúc đầu có sự chênh lệch, nhưng khi Chính phủ quyết định có chính sách can thiệp thì giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nhích lại.

Theo ông Ngân, điều chúng ta cầu mong hiện nay là thế giới hòa bình thì giá vàng sẽ giảm. Còn nếu một thế giới xung đột vũ trang, bất ổn, giá vàng sẽ biến động theo chiều hướng gia tăng, sức cầu rất lớn và có thể gây áp lực chính sách tiền tệ ở các quốc gia.

Đại biểu bày tỏ ủng hộ việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế dự kiến tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng khi tổ chức thị trường vàng liên thông với thị trường quốc tế thì sẽ giảm bớt áp lực trên thị trường.

Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, cần sớm sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vàng trong cả nước, không chỉ bó hẹp trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Trước đó, chất vấn và tranh luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa nhìn nhận, việc ngân hàng bán vàng miếng mà không mua lại từ người dân là "vấn đề hệ trọng" và đặt câu hỏi tại sao ngân hàng bán mà không mua để thuận lợi cho người dân?

Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổ chức tín dụng thực hiện mua bán vàng theo chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về bình ổn thị trường. Tuy nhiên, vàng thì không như ngoại tệ. Để kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng rất phức tạp. "Tổ chức tín dụng phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, tránh rủi ro khi tham gia bình ổn lại gặp rủi ro về chất lượng vàng", bà Hồng nói.

Thống đốc cho biết 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp vẫn có chi nhánh mua bán và địa điểm giao dịch. Việc không mua vàng của người dân có thể do biến động của thị trường vàng rất cao. Giá vàng thế giới tăng cao lại xuống, doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro.

"Mua giá vàng của người dân ở mức này nhưng đến lúc xuống lại rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo thị trường vàng biến động rất khó lường phức tạp, nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro", bà Hồng nói.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-ung-ho-thanh-lap-san-giao-dich-vang-de-giam-bot-ap-luc-tren-thi-truong-180455.html