Đại biểu xoáy vào những vấn đề nóng

Ngày làm việc thứ hai (10/7) Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa VIII, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu tập trung ở các lĩnh vực: nông nghiệp, đầu tư, xây dựng, tòa án và nội vụ.

* Đại biểu Huỳnh Lữ Tân chất vấn hệ thống kênh mương tưới, tiêu Rộc Đăng và kênh mương 19/5 chưa được nạo vét dẫn đến khả năng tưới, tiêu rất kém?

Đại biểu Huỳnh Lữ Tân (trái) và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng (phải)

Đại biểu Huỳnh Lữ Tân (trái) và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng (phải)

- Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng trả lời:

Kênh tiêu đoạn từ trạm bơm 3/2 đến trạm bơm 19/5 dài 2,8km; đoạn từ trạm bơm 19/5 ra sông Cạn dài 2,7km tiêu nước ra sông Đà Rằng. Đoạn kênh này được đầu tư vào năm 2010, đáy kênh rộng 6m, mặt bờ mỗi bên rộng 2m (TP Tuy Hòa đã giải phóng mặt bằng hành lang mỗi bên rộng 4m). Tuy nhiên, hiện nay người dân tái lấn chiếm hành lang công trình, làm hẹp lòng kênh, ách tắc dòng chảy. Việc tu bổ, nạo vét hệ thống kênh mương này được Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Công ty Đồng Cam) thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, vào mùa mưa, khi có mưa lớn, nước tiêu thoát không kịp, gây ngập úng một số vùng trũng thấp.

Kênh tiêu Rộc Đăng dài 5,5km, kênh tiêu Bầu Bèo dài 16km tiêu nước về sông Bàn Thạch. Công ty Đồng Cam đã nạo vét khai thông dòng chảy nhiều đoạn, kết hợp thu dọn bèo, rau muống, tháo các bờ cản trên kênh, nạo vét các vị trí bồi lấp cục bộ để tiêu thoát nước. Tuy nhiên, tại vị trí K2+100 kênh tiêu Rộc Đăng có kênh máng bắc qua đã bị hư hỏng, nằm chắn ngang lòng kênh gây cản trở dòng chảy. Công ty Đồng Cam đã đề nghị đơn vị quản lý là HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phú Lâm tháo dỡ, trả lại lòng kênh thông thoáng nhưng đến nay, đơn vị này chưa thực hiện.

Sở NN&PTNT đề nghị Công ty Đồng Cam xây dựng kế hoạch hằng năm tu bổ, nạo vét, khai thông dòng chảy hệ thống các kênh này. UBND TP Tuy Hòa cần chỉ đạo HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phú Lâm khẩn trương tháo dỡ kênh máng đã hư hỏng, gây cản trở dòng chảy kênh tiêu Rộc Đăng. Các địa phương liên quan cần phối hợp với Công ty Đồng Cam giải tỏa hành lang các đoạn kênh bị lấn chiếm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ môi trường, không đổ rác thải, xác súc vật chết xuống kênh gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, khi đại biểu Đặng Thị Hồng Nga chất vấn về hoạt động nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh được triển khai từ khi tái lập tỉnh và được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung qua các thời kỳ. Quy hoạch NTTS đã định hướng, tạo điều kiện cho người dân cải tạo vùng bãi triều, cửa sông, ven các đầm, vịnh, đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, kém hiệu quả, đưa vào NTTS hàng nghìn héc ta, đóng góp đáng kể vào phát triển KT-XH các địa phương ven biển.

Những năm gần đây, NTTS phát sinh nhiều bất cập như: diện tích mặt nước được quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu; phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường còn mâu thuẫn; chồng chéo giữa các quy hoạch…

Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chỉ đạo, giao nhiệm vụ, lộ trình cho các địa phương sắp xếp lồng, bè NTTS theo đúng quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, những quy định nghiêm ngặt về quy hoạch, giao đất, khu vực biển để NTTS khiến các địa phương, sở, ngành liên quan còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ. Mặt khác, việc phối hợp quản lý NTTS giữa các cấp, ngành còn nhiều hạn chế.

Để phát triển NTTS bền vững, trên cơ sở quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần tiến hành rà soát, tham mưu tỉnh xây dựng một số chương trình, đề án, kế hoạch phát triển NTTS từng vùng, từng đối tượng cụ thể. Hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, làm cơ sở để các địa phương sắp xếp vùng nuôi, lồng bè nuôi phù hợp với quy hoạch và sức tải môi trường, hài hòa với các ngành kinh tế khác. Khuyến khích chuyển sang NTTS quy mô công nghiệp tại các vùng biển mở theo quy hoạch tại vùng biển các xã Xuân Cảnh và Xuân Phương (TX Sông Cầu) là 1.000ha. Kêu gọi các dự án đầu tư NTTS công nghệ cao được quy hoạch tại xã Xuân Bình (TX Sông Cầu) khoảng 80ha.

* Đại biểu Lê Xuân Hà chất vấn việc chậm giải ngân vốn đối với 2 dự án đầu tư công?

Đại biểu Lê Xuân Hà và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên Nguyễn Xuân Hùng (phải)

Đại biểu Lê Xuân Hà và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên Nguyễn Xuân Hùng (phải)

- Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên Nguyễn Xuân Hùng cho biết: Năm 2024, tổng vốn bố trí đối với 2 dự án: Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô và tuyến đường từ cảng Bãi Gốc kết nối quốc lộ 1 đi KKT Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) là gần 603 tỉ đồng.

Dự án tuyến đường từ cảng Bãi Gốc kết nối quốc lộ 1 đi KKT Vân Phong dài khoảng 7,7km, tổng mức đầu tư hơn 1.407 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2024. Đến cuối năm 2023, UBND TX Đông Hòa mới bàn giao mặt bằng khoảng 9,8ha/41,32ha; khối lượng thực hiện khoảng 612,4 tỉ đồng (khoảng 52,2% giá trị hợp đồng), đã giải ngân hơn 834 tỉ đồng. Đến 15/6/2024, TX Đông Hòa bàn giao thêm khoảng 7,2ha. Hiện các nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ, khối lượng từ đầu năm 2024 đến nay đạt khoảng 35 tỉ đồng. Các nhà thầu đang hoàn tất thủ tục để nghiệm thu, thanh toán. Ban Quản lý KKT Phú Yên tiếp tục phối hợp với UBND TX Đông Hòa đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chậm nhất đến cuối tháng 8/2024 sẽ bàn giao mặt bằng toàn dự án.

Hiện có 2,4km/7,7km nền đất yếu phải xử lý khoan cọc cát và gia tải chờ lún (từ 12-18 tháng) nên khả năng giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn năm 2024 là khó thực hiện. Ban Quản lý KKT Phú Yên đang phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian sang năm 2025 phần vốn thuộc kế hoạch 2024 còn lại. Đơn vị đang phối hợp với UBND TX Đông Hòa sớm phê duyệt các phương án bồi thường để giải ngân, thanh toán nguồn ngân sách tỉnh bố trí cho dự án.

Dự án tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, dài khoảng 3,8km, thời gian thực hiện từ năm 2015-2024, tổng mức đầu tư hơn 532,7 tỉ đồng. Đến nay, khối lượng xây lắp khoảng 353 tỉ đồng (khoảng 84,2% giá trị hợp đồng), phần còn lại đang vướng mặt bằng nên phải tạm dừng thi công từ đầu năm 2023. Từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương chưa giao thêm phần diện tích nào đã được giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2024.

Việc triển khai thi công hoàn thành dự án là nhiệm vụ hết sức cấp bách để đảm bảo giải ngân nguồn vốn đã bố trí năm 2024 cho dự án. Sau khi nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án, Ban Quản lý KKT Phú Yên sẽ chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, vật tư, máy móc thiết bị, tăng ca… thi công hoàn thành dự án trong vòng 6 tháng.

* Đại biểu Trần Trọng Quyền chất vấn quy hoạch tại khu vực Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa) và giải quyết nhu cầu về nhà ở?

Đại biểu Trần Trọng Quyền (trái) và Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Túc (phải)

Đại biểu Trần Trọng Quyền (trái) và Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Túc (phải)

- Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Túc trả lời: Theo quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực Vũng Rô được quy hoạch xây dựng thành khu tổ hợp du lịch vịnh Vũng Rô. Sở Xây dựng đã phối hợp với Ban Quản lý KKT Phú Yên tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2040.

Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý KKT Phú Yên và UBND TX Đông Hòa trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đảm bảo tính khả thi, rà soát hiện trạng sử dụng đất tại khu vực Vũng Rô nói riêng và KKT Nam Phú Yên nói chung; tính toán, giải quyết đầy đủ nhu cầu về nhà ở, chỗ ở cho người dân thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Đối với các giải pháp để giải quyết nhu cầu về nhà ở (chỗ ở) trước mắt và lâu dài cho người dân, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030; Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 28m2/người. Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Sở Xây dựng đã rà soát và tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục các dự án nhà ở xã hội cần thu hút trên địa bàn tỉnh với 6 dự án (tại TX Đông Hòa có 3 dự án).

Đối với khu vực Vũng Rô, qua rà soát các khu dân cư hiện hữu có nhiều hộ dân chưa đảm bảo chỉ tiêu về diện tích nhà ở, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Ban Quản lý KKT Phú Yên, UBND TX Đông Hòa và các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai xây dựng KKT Nam Phú Yên trình cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời đầu tư cải tạo, chỉnh trang đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đối với các khu dân cư tại Bãi Ngà, Bãi Lách và Suối Rô.

* Đại biểu Trần Công Hoan chất vấn tình trạng án dân sự, hành chính quá thời hạn?

Đại biểu Trần Công Hoan (trái) và Chánh án TAND tỉnh Trần Huy Đức (phải)

Đại biểu Trần Công Hoan (trái) và Chánh án TAND tỉnh Trần Huy Đức (phải)

- Chánh án TAND tỉnh Trần Huy Đức trả lời: Các vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử là những vụ án có tính chất phức tạp, mất nhiều thời gian thu thập chứng cứ. Một số vụ án hành chính, người bị kiện UBND và các cơ quan chuyên môn liên quan chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ. Thêm vào đó, số lượng khiếu kiện hành chính tại tòa án tỉnh tăng mạnh, hiện nay trên 300 vụ/năm, trong khi đó số lượng biên chế chưa bổ sung tương xứng với số lượng vụ việc phải giải quyết, gây ra chậm trễ. Để xảy ra tình trạng trên, phần lớn trách nhiệm thuộc về người bị kiện và các cơ quan chuyên môn liên quan trong vụ án, chậm hoặc không cung cấp chứng cứ, không tham gia tố tụng…

Các giải pháp khắc phục tình trạng này, đó là tòa án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án; gắn trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý trong công tác điều hành hoạt động của đơn vị. Đối với các vụ việc dân sự, tòa án tích cực xây dựng hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời; các trường hợp hoãn phiên tòa phải tổ chức lại phiên tòa trong vòng 10 ngày làm việc.

Đối với các vụ án hành chính, tòa án tăng cường tổ chức xét xử bằng hình thức trực tuyến để tạo điều kiện cho người bị kiện tham gia phiên tòa đầy đủ. Tòa án cũng sẽ tăng cường phối hợp, thường xuyên đôn đốc các cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đang lưu giữ theo yêu cầu; kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp ủy, thường trực HĐND các cấp quan tâm, có ý kiến để các cơ quan, tổ chức thực hiện cung cấp tài liệu, chứng cứ thuộc trách nhiệm quản lý, lưu giữ, góp phần hạn chế việc quá hạn giải quyết của tòa án.

* Đại biểu Tạ Thị Thu Hương chất vấn việc tuyển biên chế giáo viên?

Đại biểu Tạ Thị Thu Hương (trái) và Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn (phải)

Đại biểu Tạ Thị Thu Hương (trái) và Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn (phải)

- Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn trả lời: Năm học 2023-2024, tổng biên chế viên chức ngành Giáo dục do Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện quản lý là 11.975 (đang sử dụng 11.307, chưa sử dụng 668) biên chế. Từ những số liệu trên cho thấy 668 biên chế chưa sử dụng (chiếm 5,57% tổng biên chế được giao) là không quá lớn. Trung bình mỗi trường chỉ 1,94 biên chế chưa tuyển dụng (tổng 344 trường học).

Hiện nay, các địa phương cũng đang tuyển dụng theo kế hoạch (601 chỉ tiêu) gần đủ với số lượng 668 biên chế chưa sử dụng. Như vậy, chỉ còn 67 biên chế chưa có kế hoạch tuyển dụng trong năm 2024. Mặt khác, số lượng biên chế đang sử dụng và chưa sử dụng luôn có sự biến động liên tục và sẽ luôn tồn tại số lượng biên chế chưa sử dụng vì hàng năm số lượng viên chức nghỉ hưu, thôi việc (khoảng 400-500 người), thời gian hoàn thành quy trình tuyển dụng viên chức giáo viên tương đối dài (tối thiểu 4-5 tháng) và phải dùng cho việc thực hiện tinh giản trong giai đoạn 2025-2026 là 477 người.

Tuy nhiên, qua tuyển dụng ở một số địa phương, một số vị trí có thí sinh trúng tuyển không đủ theo chỉ tiêu của kế hoạch (vị trí giáo viên tiểu học) hoặc không có thí sinh đăng ký dự tuyển (giáo viên môn Âm nhạc), việc này cũng gây khó khăn cho địa phương.

Thời gian đến, đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND cấp huyện quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên theo thẩm quyền đã được phân cấp. Sở GD&ĐT phối hợp với các ngành có liên quan làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng đối với học sinh, khuyến khích học sinh tham gia lựa chọn, theo học ngành Sư phạm. Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và chủ động kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị để kịp thời tuyển dụng viên chức giáo viên đảm bảo theo số lượng biên chế được giao.

T PV (thc hin)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/318329/dai-bieu-xoay-vao-nhung-van-de-nong.html