Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được biết đến không chỉ với vai trò là một thầy thuốc tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn và một danh nhân văn hóa thế giới.

Ôn lại thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh Y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại lễ dâng hương và báo cáo kết quả kế thừa di sản của Đại Danh y tại huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một trong những đại danh y nổi tiếng nhất trong lịch sử y học Việt Nam, được biết đến không chỉ với vai trò là một thầy thuốc tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn và một danh nhân văn hóa thế giới.

Ông sinh tháng 11 năm 1724, là con thứ bảy của một gia đình đại trí thức, truyền thống khoa bảng, ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) ở quê mẹ, xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng. Suốt cuộc đời làm thuốc của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam.

Ông đã để lại cho đời sau khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là "Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh" - bộ sách là "Bách khoa thư" y học vĩ đại nhất của Việt Nam cùng nhiều tác phẩm khác liên quan đến y học, văn học, giáo dục…

Tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh (phục chế) trưng bày tại Khu lưu niệm và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn ảnh: Trang TTĐT Tỉnh ủy Phú Yên

Tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh (phục chế) trưng bày tại Khu lưu niệm và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn ảnh: Trang TTĐT Tỉnh ủy Phú Yên

"Cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Với tâm nguyện hoài bão ấp ủ là soạn sách, mở trường thuốc để truyền bá y học và với lý tưởng cao cả “làm sách truyền phương để giúp đời vô tận”, Đại danh y Lê Hữu Trác đã dựng lên ngọn cờ đỏ thắm trong y giới qua bộ “Y tông tâm lĩnh”. Ông xứng đáng là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại cho hậu thế một tàng thư y học, một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật... vô giá trong di sản văn hóa Việt Nam và được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), trong bài tham luận về "Ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với nền y học cổ truyền Việt Nam" nhận định, Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang, "nghề thuốc là thanh cao nên phải giữ phẩm chất cho trong sạch".

Ông là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi không tự cao tự đại, luôn tôn trọng giúp đỡ đồng nghiệp. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: "Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn".

Người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, ngoài việc đề cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử Y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Đại danh y Lê Hữu Trác cho rằng muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc.

Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn ảnh: Trang TTĐT Tỉnh ủy Phú Yên

Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn ảnh: Trang TTĐT Tỉnh ủy Phú Yên

Trong các tác phẩm của mình, Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông nhiều lần nhấn mạnh vai trò của người thầy thuốc không chỉ là chữa bệnh mà còn phải giáo dục người dân về việc bảo vệ sức khỏe, biết cách điều chỉnh lối sống để phòng ngừa bệnh tật.

"Ông cho rằng, người thầy thuốc cần phải có trách nhiệm cao đối với bệnh nhân, không thể chỉ chữa trị các triệu chứng mà không quan tâm đến nguyên nhân sâu xa của bệnh tật và hoàn cảnh sống của họ. Ông đã thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau và sự bất hạnh của người bệnh, đặc biệt là những người nghèo khổ, yếu thế trong xã hội", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.

Hàng trăm năm trôi qua nhưng di sản của Đại danh y Lê Hữu Trác để lại vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ ngành y tế Việt Nam kế thừa, sử dụng, nhằm góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hải Thượng Lãn Ông đã thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc kinh nghiệm hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng. PGS Nguyễn Thế Thịnh nhìn nhận, rất nhiều y bác sỹ, lương y đã vận dụng các kiến thức và các bài thuốc của Đại danh y để thăm khám và điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt các kiến thức của Lãn Ông còn được áp dụng trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, ăn uống để phòng bệnh và tăng cường sức khỏe.

"Không những vậy, những bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông ngày nay đã được các nhà khoa học sử dụng các phương pháp hiện đại chứng minh tính hiệu quả, được áp dụng và sản xuất để người bệnh và nhân dân sử dụng rộng rãi trong phòng, điều trị bệnh", PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh nhấn mạnh.

Năm 2023, ghi nhận những công lao, đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, UNESCO đã vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Sự kiện lịch sử thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về tài năng y học kiệt xuất, những đóng góp to lớn và lâu dài cho y học cổ truyền Việt Nam và thế giới, nhất là di sản giá trị văn hóa, tư tưởng nhân văn vượt thời gian "sống vì mọi người" và tinh thần "học tập suốt đời" mà ông để lại cho hậu thế.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-danh-y-hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac-hinh-anh-cao-dep-cua-nguoi-thay-thuoc-2353417.html