'Đại dịch' ẩn sau vụ giả gái lừa tình hàng loạt trai trẻ ở Trung Quốc

Vụ giả gái lừa tình trai trẻ không chỉ gây sốc vì tính chất quái đản, mà còn phơi bày vấn nạn quay lén đáng báo động ở Trung Quốc.

 Người đàn ông 38 tuổi, biệt danh "Hồng tỷ", bị bắt vào ngày 6/7 ở Trung Quốc, sau khi quay và phát tán video quan hệ với hàng trăm nam giới. Ảnh: X.

Người đàn ông 38 tuổi, biệt danh "Hồng tỷ", bị bắt vào ngày 6/7 ở Trung Quốc, sau khi quay và phát tán video quan hệ với hàng trăm nam giới. Ảnh: X.

Người đàn ông 38 tuổi họ Jiao có biệt danh "Hồng tỷ" bị bắt ngày 6/7 tại thành phố Nam Kinh (Trung Quốc), sau khi hàng loạt video quay cảnh quan hệ với nam giới bị phát tán trên mạng xã hội.

Dưới lớp hóa trang kỹ lưỡng gồm tóc giả, ngực silicon và giọng nói rèn luyện suốt nhiều tháng, "Hồng tỷ" đã lừa nhiều người, từ sinh viên, nhân viên văn phòng đến người nước ngoài, để dụ vào phòng trọ, bí mật quay video nhằm trục lợi.

Cảnh sát đã khẳng định thông tin "1.691 trai trẻ" bị lừa là thổi phồng. Song số nạn nhân bị quay lén và tổn hại nghiêm trọng khi hình ảnh riêng tư bị tung lên mạng là không hề nhỏ. Trong khi dư luận Trung Quốc ban đầu tập trung vào yếu tố giật gân của vụ việc, nhiều chuyên gia cảnh báo đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên “quay lén, phát tán hình ảnh nhạy cảm”.

“Đại dịch” quay lén

Tại Trung Quốc, các thiết bị quay lén siêu nhỏ được bán công khai tại các chợ điện tử như Huaqiangbei, với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng. Chúng được ngụy trang dưới dạng đồng hồ, bật lửa, ổ cắm, thú nhồi bông và thậm chí là sạc điện thoại. Loại thiết bị này đã tạo điều kiện cho hàng loạt vụ quay lén xảy ra trên quy mô lớn.

Theo CCTV, trong một cuộc điều tra quy mô lớn tại tỉnh Sơn Đông, nhà chức trách phát hiện 300 camera giấu kín được lắp tại đèn, TV, điều hòa, ổ điện trong các khách sạn. Hơn 100.000 video riêng tư đã bị phát tán, 29 người bị bắt nhưng hình ảnh của các nạn nhân vĩnh viễn không thể thu hồi.

 Hàng trăm clip quay lén Jiao quan hệ với nhiều người đàn ông bị phát tán trên mạng xã hội. Ảnh: Mirrormedia.

Hàng trăm clip quay lén Jiao quan hệ với nhiều người đàn ông bị phát tán trên mạng xã hội. Ảnh: Mirrormedia.

Tại Hàn Quốc, vấn nạn quay lén đã lên tới mức báo động đỏ, được gọi bằng cái tên “molka epidemic” (Tạm dịch: đại dịch camera ẩn), The Guardian đưa tin.

Chỉ trong giai đoạn 2013-2018, hơn 30.000 vụ quay lén được ghi nhận. Hầu hết nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Các camera giấu kín thường được đặt trong nhà vệ sinh, phòng thử đồ, nhà tắm công cộng. Sự phổ biến của Internet tốc độ cao tại nước này khiến các clip quay trộm có thể bị phát tán hoặc rao bán trong vài phút.

Một số vụ gây rúng động như việc một hiệu trưởng lắp camera trong nhà vệ sinh giáo viên nữ hay hàng loạt bệnh nhân, bao gồm cả người nổi tiếng, bị quay lén khi thay đồ tại phòng khám ở Gangnam. Hậu quả để lại là tâm lý hoảng loạn, bất an thường trực và cảm giác bị "lột trần" sự riêng tư ngay trong môi trường tưởng chừng an toàn.

 Nhiều người Hàn Quốc tham gia các phong trào chống lại nạn quay lén để gây áp lực buộc chính phủ phải kết án nặng tội phạm. Ảnh: Yonhap.

Nhiều người Hàn Quốc tham gia các phong trào chống lại nạn quay lén để gây áp lực buộc chính phủ phải kết án nặng tội phạm. Ảnh: Yonhap.

Ở phương Tây, vấn nạn quay lén tồn tại dưới các hình thức khác như “revenge porn” (Tạm dịch: phát tán clip nhạy cảm để trả thù) và “non-consensual intimate images” (Tạm dịch: hình ảnh thân mật được ghi lại trái phép).

Nhiều quốc gia phải ban hành luật riêng để xử lý hành vi phát tán hình ảnh riêng tư không có sự đồng ý của nạn nhân. Tuy nhiên, tính chất xuyên quốc gia và phi tập trung của Internet khiến việc kiểm soát và gỡ bỏ nội dung vi phạm cực kỳ khó khăn.

Các nền tảng mạng xã hội mã hóa như Telegram, nhóm chat ngầm trên QQ hay các trang web đen đóng vai trò như “chợ đen kỹ thuật số”, nơi video quay lén được trao đổi như một loại hàng hóa. Không ai có thể biết mình có đang bị quay lén không, bởi các thiết bị ngày càng nhỏ, tinh vi và dễ giấu.

Nam giới bị bỏ qua

Nhiều người đàn ông từng xuất hiện trong video nhạy cảm quay tại phòng trọ của Jiao, nghi phạm bị bắt ở Nam Kinh (Trung Quốc), vẫn chưa hết bàng hoàng.

Một số bị dụ dỗ quan hệ dưới danh nghĩa hẹn hò nghiêm túc, sau đó bị quay lén mà không hề hay biết. Những đoạn video bị phát tán công khai, ghi rõ mặt nạn nhân cùng các hành vi thân mật. Trong số các nạn nhân là sinh viên đại học, nhân viên văn phòng, thậm chí cả người nước ngoài.

Tuy nhiên, do nạn nhân là nam giới, phần lớn dư luận lại tỏ ra thờ ơ. Không ít bình luận trên mạng còn giễu cợt, cho rằng “đàn ông thì thiệt hại gì”.

Phản ứng này phản ánh định kiến xã hội lâu nay, nhiều người mặc định nạn nhân của quay lén và xâm hại tình dục chỉ là phụ nữ. Trong thực tế, đàn ông cũng có thể bị tổn thương nghiêm trọng nhưng họ thường bị xem nhẹ hoặc im lặng vì sợ bị chế giễu, không được tin tưởng.

 Một huấn luyện viên thể hình gần đây cho biết bản thân suy sụp khi biết clip riêng tư của mình bị "Hồng tỷ" phát tán. Ảnh: TikTok.

Một huấn luyện viên thể hình gần đây cho biết bản thân suy sụp khi biết clip riêng tư của mình bị "Hồng tỷ" phát tán. Ảnh: TikTok.

Theo khảo sát toàn quốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), gần 1 trong 4 nam giới (24,8%) từng trải qua bạo lực tình dục có tiếp xúc trong đời. Một nghiên cứu khác ghi nhận 43% nam giới tại Mỹ cho biết từng bị quấy rối tình dục dưới nhiều hình thức.

Riêng với hành vi quay lén, các nghiên cứu quốc tế tại Anh và Thụy Điển cho thấy nạn nhân nam chiếm từ 15-20%, thậm chí còn cao hơn trong các môi trường khép kín như phòng gym, trường học, quân đội hoặc nhà tù. Dù không phổ biến như ở nữ, tỷ lệ này đủ để khẳng định rằng nam giới không phải ngoại lệ.

Tuy vậy, phản ứng xã hội và hệ thống pháp lý đối với nạn nhân nam vẫn đầy rào cản. Nhiều người mặc định nếu nam giới bị quay lén hay cưỡng ép quan hệ mà vẫn có phản ứng sinh lý thì nghĩa là họ “ngầm đồng thuận”, theo TS Roy Levin, cựu giảng viên khoa Sinh lý học tại Đại học Sheffield (Anh).

“Quan niệm độc hại ‘đàn ông lúc nào cũng thích làm tình’ càng làm cho các trải nghiệm đau đớn bị bóp méo thành chuyện cười, khiến nạn nhân nam xấu hổ, tự trách và chọn im lặng”, ông chia sẻ.

Còn nhà nghiên cứu Rebecca Fisico (Viện Công nghệ Đại học Ontario, Mỹ), “nam giới thường không chỉ bị tổn thương bởi hành vi tấn công mà còn bởi phản ứng lạnh nhạt hoặc kỳ thị của xã hội khi họ chia sẻ. Họ bị hỏi: ‘Mày là đàn ông mà? Sao lại để bị cưỡng ép?’. Phản ứng đó khiến họ cảm thấy xấu hổ, yếu đuối, sai lệch và cuối cùng là tự trách”.

 Hơn 70% nạn nhân nam giới của các vụ xâm hại tình dục không nói với ai về trải nghiệm này trong 10 năm đầu sau khi sự việc xảy ra. Ảnh minh họa: Human Righst Watch.

Hơn 70% nạn nhân nam giới của các vụ xâm hại tình dục không nói với ai về trải nghiệm này trong 10 năm đầu sau khi sự việc xảy ra. Ảnh minh họa: Human Righst Watch.

Nghiên cứu của 1in6, một nhóm chuyên hỗ trợ nam giới sống sót sau xâm hại tình dục ở Mỹ, chỉ ra hơn 70% nạn nhân nam không nói với ai về trải nghiệm của mình trong vòng 10 năm đầu sau khi sự việc xảy ra. Thậm chí, có người mất hơn 30 năm mới dám chia sẻ.

Theo TS Richard Tewksbury, giáo sư khoa Quản lý tư pháp của Đại học bang Arizona (Mỹ), lý do phổ biến thường là sợ bị nhận xét “không nam tính”, sợ không ai tin và đặc biệt là sợ cảm giác xấu hổ bị lặp lại nếu lời nói bị bỏ qua hoặc chế giễu.

Những khuôn mẫu giới độc hại không chỉ ngăn nạn nhân lên tiếng mà còn tác động đến hệ thống hỗ trợ. Các trung tâm tư vấn, đường dây nóng, tài liệu nhận diện nạn nhân... phần lớn đều tập trung vào phụ nữ.

Cụm từ “bạo lực giới” thường được hiểu một cách mặc định là “bạo lực đối với phụ nữ”, từ đó khiến nam giới cảm thấy mình không thuộc nhóm được bảo vệ.

Hệ quả là một vòng luẩn quẩn khó phá vỡ. Nam giới ngần ngại lên tiếng khiến số vụ quấy rối, tấn công tình dục hay quay lén được báo cáo rất ít. Thiếu đơn tố cáo đồng nghĩa với ít vụ việc được điều tra, truy tố hoặc xét xử. Khi những trải nghiệm này không hiện diện trong dư luận, xã hội mặc nhiên cho rằng đây không phải vấn đề đáng lo ngại. Định kiến vì thế tiếp tục tồn tại, và nam giới lại rơi vào sự im lặng đầy bế tắc.

Đức An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dai-dich-an-sau-vu-gia-gai-lua-tinh-hang-loat-trai-tre-o-trung-quoc-post1567071.html