Đại dịch Corona 'đóng băng' ngành du lịch
Là thị trường khách chủ lực của ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua, việc Trung Quốc 'bế quan tỏa cảng' vì dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành, dịch vụ thiệt hại nặng nề. Mới đây, Hàn Quốc thành điểm đến bị hạn chế của các hãng du lịch Việt Nam.
Hiệu ứng “domino”đối với nghành du lịch
Sau khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, thì ngày 27/1, Chính phủ nước này đã ban lệnh cấm các chuyến đi du lịch ra nước ngoài theo nhóm. Ngay sau đó, một số địa phương tại Việt Nam như Khánh Hòa, Lào Cai, Đà Nẵng… cũng thông báo sẽ ngưng tiếp nhận khách Trung Quốc do lo ngại dịch bệnh viêm phổi cấp lan rộng. Đồng thời, các đường bay đến Trung Quốc được các hãng hàng không đóng cửa và bây giờ, Hàn Quốc cũng trong tình trạng tương tự.
Hiệu ứng domino khiến hệ thống dịch vụ liên quan đến du lịch và doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong nước cũng hứng chịu nhiều thiệt hại. Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng con số thiệt hại đã vượt qua mứchàngnghìn tỉđồng. Tất cả các doanh nghiệp lữ hành phải hủy toàn bộ tour khách từ Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại, đóng cửa tour đưa khách đi Trung Quốc và HànQuốc.Một loạt nhà hàng, khách sạn tại các “điểm nóng” du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng... thậm chí đã phải tạm ngưng hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế làm tour lẻ đã đặt cọc trước để mua vé máy bay hy vọng vào mùa hoa Anh đào ở Nhật, Hàn, Mỹ….đã “thất thủ” vì “không thể thể thuyết phục được khách kéo va ly lên máy bay chứ đừng nói chi là đến tận nơi thưởng thức hoa”, một CEO lữ hành chua chát nói. Một số doanh nghiệp đang nhờ sự chia sẻ của nhân viên khi hạ nửa tháng lương và chấp nhận làm ngày chẵn, lẻ. Một số khác đang dựa vào luật để xin tạm đóng cửa dừng hoạt động 01 năm và xin trợ cấp Bảo hiểm xã hội để hưởng lương thất nghiệp chờ dịch qua.
Hàng không Việt Nam, không chỉ Vietnam Airlines mà còn có VietJet là đơn vị hứng chịu thiệt hại nhiều nhất khi toàn bộ đường bay chatter (đường bay được thuê bao riêng) đang được phía Trung Quốc thuê vận chuyển khách nội địa đến các vùng biển Việt Nam đều đóng cửa.
Lạc quan “cúm” sẽ qua nhanh
Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phát đi tâm thư gửi bạn bè và đối tác quốc tế trong ngành du lịch kèm theo sự khẳng định của Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh rằng, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh và tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được kiềm chế, các hoạt động du lịch sớm bình thường trở lại.
“Ngay từ khi Trung Quốc công bố dịch 2019-nCoV bùng phát, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Chính phủ Việt Nam cùng các ngành như Y tế, Du lịch và các cơ quan chức năng liên quan đã chủ động đối phó, triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống để giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh này và 45 đội phản ứng nhanh. Tất cả các cửa khẩu biên giới đang được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ, những trường hợp nghi nhiễm đều được cách ly và điều trị tích cực trong bệnh viện. Đồng thời, Tổng cục Du lịch thành lập một chuyên mục trên trang thông tin chính thức của Tổng cục Du lịch tại địa chỉ http://vietnamtourism.gov.vn để cập nhật thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho khách du lịch.
Đã từng có nhiều kinh nghiệm đối phó với những dịch bệnh như SARS, MERS…, Việt Nam có một hệ thống giám sát y tế tốt để kiểm soát dịch bệnh nCoV lần này... Hai công dân Trung Quốc bị nhiễm vi rút nCoV đã được chữa trị thành công ở Việt Nam và tình hình đang được kiểm soát tốt.... Chúng tôi tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được kiềm chế và hoạt động du lịch cũng như các hoạt động của cộng đồng sẽ sớm trở lại bình thường" - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh lạc quan khẳng định.
Trong gian nan, các doanh nghiệp lữ hành kêu gọi cần có sự kích cầu đồng bộ.Các hãng hàng không, lưu trú, vận tải, nhà hàng…cần phảigiảm giá để tổ chức các tour du lịch nội địa đến các vùng nắng nóng,vùngbiển để phục vụ nhu cầu khách hàng nội địa.
DỪNG CÁC CHUYẾN BAY ĐẾN HÀN QUỐC
Sau Trung Quốc giờ đến Hàn. Tối ngày 2/3, Vietnam Airlines (VNA) phát đi thông báo dừng toàn bộ chuyến bay đến Hàn. Theo đó, hãng này cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 xảy ra ở Hàn Quốc, hãng sẽ tạm dừng khai thác tất cả đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ ngày 5/3. Các chuyến bay của VNA trong hai ngày 3 và 4/3 từ Seoul (sân bay Incheon), Busan (sân bay Gimhae) về Hà Nội, TP.HCM sẽ hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Cần Thơ, Phù Cát (Bình Định) theo yêu cầu của nhà chức trách.
VNA cho biết, để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người lao động, toàn bộ phi hành đoàn trên các chuyến bay này sẽ được trang bị đồ bảo hộ y tế. Hãng cũng khử trùng tất cả máy bay từ Hàn Quốc trở về nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh. VNA sẽ thông báo rộng rãi tới khách hàng về kế hoạch khai thác trở lại các đường bay tới Hàn Quốc ngay khi dịch COVID-19 diễn biến khả quan hơn.
Ngày 3/3, VietJet cũng thông báo tạm dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ ngày 7/3. Theo đó, hãng đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, y tế, cảng hàng không... thực hiện các quy trình khai thác theo chuẩn mực quốc tế cao nhất, các khuyến cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà chức trách hàng không các nước trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách, tổ bay và tàu bay.
Trước đó, trước khi tạm dừng khai thác, Vietjet cũng thực hiện hỗ trợ chuyên chở miễn phí một số hành khách Hàn Quốc từ Việt Nam trở về Incheon (Seoul, Hàn Quốc) trên tinh thần đảm bảo an toàn cho tàu bay, sức khỏe của tổ bay và hành khách.
Trước đó, Bamboo Airways là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam tạm ngừng khai thác 2 đường bay giữa Đà Nẵng - Incheon và Nha Trang - Incheon từ ngày 26/2.
Hãng bay của Hàn Quốc Korean Air và Asiana Airlines cho biết sẽ giảm mạnh số chuyến bay tới nhiều điểm đến tại Việt Nam trong tháng 3 vì dịch Covid-19. Korean Air cho hay rất nhiều chuyến bay của hãng từ sân bay Incheon (Seoul, Hàn Quốc) và sân bay Busan tới các thành phố của Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc sẽ tạm dừng khai thác trong tháng 3 và tháng 4. Riêng đường bay Incheon - Đà Nẵng vẫn duy trì hoạt động, tuy nhiên tần suất khai thác giảm xuống còn 3 chuyến/tuần. Tương tự, Asiana Airlines tạm dừng khai thác nhiều chuyến bay từ sân bay Incheon tới Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang ít nhất tới giữa tháng 3...