Đại dịch COVID-19, AFC không dám 'thách đấu' luật quốc gia
Nhiều ý kiến đã khẳng định rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 dẫn đến sự 'méo mó' của bóng đá khắp thế giới.
Sau hàng ngàn trận đấu thể thao trên thế giới đóng kín cổng, nay đến khả năng xung đột giữa lệnh phòng, chống dịch COVID-19 khẩn cấp của từng quốc gia và tổ chức bóng đá.
Đó là câu chuyện giữa CLB Johor Darul Tazim (JDT) của Malaysia không thể sang Qatar đá tập trung AFC Champions League theo quy định mới của AFC.
Nhà nước Malaysia, cụ thể là Hội đồng An ninh quốc gia điều hành lệnh giãn cách xã hội ngừa dịch bệnh ở Malaysia cấm đội JDT xuất cảnh. Đấy là lệnh cấm không riêng với đội bóng này mà cả với các lĩnh vực khác.
Trong khi đó, AFC chuẩn bị đưa ra lệnh trừng phạt CLB này vì bỏ giải. Trong thế xung đột, đi không được, ở cũng chẳng xong, JDT phải hành động thế nào?
Chủ nhân CLB JDT là hoàng tử Ismail, cựu chủ tịch LĐBĐ Malaysia, một vị chủ tịch trẻ 35 tuổi, rất đam mê và hết mình với bóng đá. Đứng trước một bên là quy định của nhà nước và một bên là tổ chức bóng đá trong khu vực châu Á, hoàng tử Ismail đăng đàn: “Phải tuân thủ lệnh quốc gia, thời điểm này sức khỏe con người là trên hết, cầu thủ cũng vậy!”. Điều này có nghĩa JDT có thể bị trừng phạt từ AFC.
Phía các quan chức Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia cũng như LĐBĐ Malaysia đề nghị hoàng tử Ismail gửi thư lên AFC nói về tình hình cấm xuất cảnh và “đóng cửa biên giới”. Thậm chí là Cúp Quốc gia Malaysia đang đá cũng bị hủy... để AFC hiểu rõ tình hình.
Nực cười hơn là trụ sở AFC nằm ngay ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và nơi đấy có rất nhiều quan chức AFC cũng là người Malaysia.
Cần nói thêm, hoàng tử Ismail đồng tình với cách rút khỏi giải. Ông còn nêu những lo lắng về dịch bệnh trên toàn cầu và lấy hoàn cảnh tiền đạo Salah của Liverpool, vừa từ Anh về Ai Cập đá vòng loại Cúp Các quốc gia châu Phi thì bị nhiễm COVID-19.
JDT ở bảng G được xem như bảng tử thần cùng với các đối thủ Vissel Kobe (vô địch J-League 2019), Guangzhou Evergrande (á quân Trung Quốc) và Suwon Samsung Blue Wings (á quân K-League).
Khi JDT rút khỏi giải, AFC cũng đã “dọn dẹp” xong bảng G bằng cách hủy tất cả trận đấu mà JDT đá trước đây ở bảng G.
Thực tế thì truyền thông có phần làm cho mối quan hệ giữa nhà nước Malaysia và AFC thêm căng thẳng với những phân tích khá nặng nề nhưng kiểu gì thì cũng khó phạt đội JDT, bởi họ rút khỏi giải không phải là quyết định chủ quan mà vì đặc thù của quốc gia trong tình hình chống dịch.
Hơn nữa, nếu AFC phạt đội JDT thì tổ chức này cũng sẽ rất khó ăn khó nói khi văn phòng của mình cũng đặt ở Malaysia.