Đại dịch COVID-19 chắc chắn chưa kết thúc, vaccine vẫn là 'vũ khí chiến lược'
Hiện nay, số ca mắc và tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khuyến cáo, đại dịch COVID-19 chắc chắn chưa kết thúc và vaccine vẫn được coi là 'vũ khí chiến lược' chống dịch.
Nguy cơ làn sóng COVID-19 mới
Tính đến ngày 7/11, tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới ghi nhận hơn 637,7 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong. Số ca mắc mới tại một số quốc gia vẫn đang gia tăng. Trong 24 giờ qua, Nhật Bản đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với 66.397 ca.
Bộ Y tế Australia cho biết, trong tuần qua, trung bình mỗi ngày có 5.300 ca mắc mới ghi nhận trên cả nước. Con số này tăng so với 4.891 ca/ngày trung bình trong tuần trước (kết thúc ngày 28/10). Trong tuần qua, có 37.097 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận tại Australia. Tại New South Wales và Victoria - hai bang đông dân nhất Australia, chiếm hơn một nửa dân số, số ca mắc mới trung bình theo ngày tăng hơn 20%. Nhà chức trách Australia cảnh báo, nước này đối mặt với một làn sóng COVID-19 mới trong vài tuần tới.
Tại California - bang đông dân nhất nước Mỹ (khoảng 40 triệu dân), ngày 3/11, cơ quan chức năng cho biết, các dấu hiệu mới nhất cho thấy làn sóng lây nhiễm COVID-19 có thể bùng phát trở lại. Số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại bang này đã tăng từ 4,1% tuần trước lên 4,5%, trong khi số ca nhập viện cũng gia tăng.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, từ 16h ngày 6/11 đến 16h ngày 7/11, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 365 ca mắc mới. Hiện, trung bình mỗi ngày, Việt Nam vẫn ghi nhận trung bình hơn 300 ca mắc mới. Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.506.214 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Riêng trong ngày 7/11, số bệnh nhân đang thở oxy là 54 ca. Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong tuần cuối tháng 10 là 1 ca/ngày. Trong các ngày 1 và 5/11, mỗi ngày ghi nhận 1 ca tử vong tại Tây Ninh; ngày 31/10 ghi nhận 1 ca tử vong tại Quảng Ninh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.166 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Vaccine tiếp tục là 'vũ khí chiến lược' quan trọng
Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian, đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ các ca bệnh tăng nặng, tử vong trở lại.
Tại cuộc họp gần nhất (ngày 13/10/2022), Ủy ban Khẩn cấp (EC) về quy định y tế quốc tế (IHR) liên quan đến COVID-19 cũng đánh giá "thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vacine cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch COVID-19".
Trước đó, tháng 7/2022, WHO đánh giá, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, đặc biệt là tiêm chủng vaccine.
Tổ chức này tiếp tục nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới và khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% các đối tượng có nguy cơ cao (cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc), sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm tối đa bệnh nặng và tử vong.
Đặc biệt, WHO cũng đã đưa ra kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 với điều kiện cơ bản nếu tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 đạt trên 70% dân số trên phạm vi toàn cầu và kiểm soát được số mắc mới và tử vong do COVID-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Việt Nam đang tiến hành 7 nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vaccine phòng COVID-19, trong đó 1/7 nghiên cứu đã hoàn thành và đang hoàn thiện báo cáo, 6/7 nghiên cứu đang trong thời gian triển khai.
Mặc dù đến nay chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, nhưng có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Về hiệu quả của vaccine, sau tiêm mũi 3 sẽ ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong, đạt khoảng 86% ở tháng thứ nhất. Hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 (hiệu quả bảo vệ ở tháng thứ 6 còn khoảng 70%). Sau khi tiêm mũi 4 sẽ giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tỉ lệ tử vong khoảng từ 9% đến 28% so với tiêm mũi thứ 3.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh; tiếp tục theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi; tổng hợp kết quả khảo sát, thăm dò ý kiến về việc tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Bộ GD&ĐT, chuẩn bị tổ chức họp Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine để xem xét vấn đề này.
Tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để dịch chồng dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vaccine.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vaccine theo các mục tiêu đã đề ra, có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vaccine đáp ứng yêu cầu của các địa phương; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể, thực hiện nghiêm túc kết luận của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ về mua vaccine, không để thiếu vaccine. Nếu để thiếu vaccine, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm.