Đại dịch COVID-19 đã hết?
Ngày 28 tháng Sáu vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng: 'Đại dịch này (COVID-19) đang thay đổi. Nhưng chưa hoàn toàn hết hẳn'.
Ông đã nêu lên một trong những lý do là "khả năng truy vết COVID-19 của chúng ta đang bị đe dọa vì báo cáo về đại dịch và giải mã gien đang giảm đi. Điều này có nghĩa là chúng ta khó có thể truy vết biến thể Omicrom và phân tích biến thể sẽ xuất hiện trong tương lai".
Các con số có được về số người mắc COVID-19 gần đây cho thấy, số người bệnh và số ca nặng do COVID-19 đang tăng ở 110 nước trong ba tuần vừa qua.
Theo WHO thì số người bệnh COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng 18% trong giai đoạn trên. Và số người chết vì COVID-19 cũng tăng ở ba trong số sáu khu vực trên toàn thế giới.
Tại sao COVID-19 lại như vậy?
Biến chủng mới BA.4 và BA.5 đã xuất hiện và có xu hướng áp đảo biến chủng khác. Theo nhiều nghiên cứu thì biến chủng mới này có khả năng vượt qua hệ miễn dịch của con người. Lớn hơn nhiều so với biến thể BA.1/2/3, kể cả những người đã miễn dịch hay đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Nhiều nhà khoa học cho rằng BA.4/5 sẽ tạo ra làn sóng COVID-19 mới, với nhiều nước là lần thứ bẩy, gây đảo lộn cho cuộc sống bình thường mới.
Vào tuần cuối tháng Sáu vừa qua, số ca COVID-19 do BA.4/5 gây ra chiếm 35%, cao hơn nhiều so với 29% tuần trước đó. Theo Trung tâm Phòng Chống Bệnh tật châu Âu, số ca nhiễm biến chủng BA. 4/5 sẽ thay thế những biến chủng khác trong vài tuần tới. Cụ thể là ở Anh và các nước khác ở châu Âu.
Cho đến nay đã có 12 tỷ liều vaccine đã được phân phối trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có 58 nước có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn 70%. Ở 140 nước còn lại, nhiều nước chỉ mới tiêm đầy đủ được 13%.
Sẽ tồn tại những vùng nhiễm COVID-19 tiếp tục đe dọa thế giới
Nếu như trước kia, người dân không tiêm vì nghi ngờ tác dụng của vaccine, thì hiện nay người dân lại không tiêm vì cho rằng tiêm là không cần thiết nữa. Lý do: Vì số ca mắc COVID-19 đã giảm. Ngay cả với những người đã được tiêm và đã mắc COVID-19, miễn dịch cũng giảm dần.
Như vậy, cũng sẽ tồn tại những vùng nhiễm COVID-19 tiếp tục đe dọa thế giới.
Một lý do nữa là thái độ chủ quan của người dân. Trong khi virus corona chưa mất đi hoàn toàn, người dân vẫn cần tuân thủ những biện pháp vệ sinh. Quan trọng nhất là đeo khẩu trang để tránh lây lan. Những biện pháp này càng cần thiết hơn khi các nước đã đều mở cửa đón khách du lịch.
Ngoài ra còn quá trình toàn cầu hóa thế giới, biến đổi khí hậu và tình trạng thành thị hóa. Thế giới kết nối với nhau chặt chẽ làm cho COVID-19 dễ lây lan hơn. Đây là những yếu tố con người không thể tác động được.
Vậy thì khi nào đại dịch COVID-19 khi nào mới đến hồi kết?
Ở thời điểm hiện tại, khó có thể chắc chắn được điều gì. Virus corona gây ra SARS năm 2003 vói tỷ lệ tử vong cao tự biến mất. Rất có thể corona gây ra đại dịch này cũng sẽ biến mất.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta sẽ phải chấp nhận thực tế là virus corona sẽ vẫn tồn tại. Điều quan trọng là thái độ của chúng ta thế nào. Sau gần hai năm đóng cửa, các nước nay đều đã chọn phản ứng linh hoạt, mở cửa, tiếp tục sản xuất. Phản ứng này đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên chúng ta cũng không được chủ quan vì "phòng dịch hơn chống dịch".