Đại dịch Covid-19 đánh trúng mắt xích yếu nhất ở châu Âu
Không được ra ngoài, còn người thân đến thăm phải giữ khoảng cách an toàn đề phòng lây nhiễm Covid-19, những người cao tuổi trong viện dưỡng lão ở Pháp cảm thấy như đang ở nhà tù.
Lần đầu tiên sau 6 tuần, cô Sabrina Deliry được phép tới thăm người mẹ 80 tuổi của mình, đang sống ở một viện dưỡng lão tại Paris. Cô chuẩn bị một danh sách những bài hát mà cả hai mẹ con cùng thích, trong đó có bài "La Vie en Rose" của Edith Piaf.
Sau đó, trong căn phòng cô độc của người mẹ, nơi mà lâu rồi bà đã không được ra ngoài, không được cảm nhận mái tóc mình bay trong gió và không thể ôm người con gái đang ở rất gần, cả hai cùng nhau lắng nghe ca khúc nổi tiếng này.
Gặp nhưng không được ôm
"Quand il me prend dans ses bras" (Khi anh ấy ôm tôi vào lòng) - tiếng hát của nữ danh ca huyền thoại cất lên trong phòng.
Vì hai mẹ con phải ngồi cách nhau 1 mét, không thể trao nhau những cái ôm hoặc tiếp xúc vật lý nào trong suốt nửa tiếng gặp gỡ tại viện dưỡng lão, câu hát này nghe giống như một lời đùa ác ý.
Khi nào thì cô Sabrina mới có thể ôm mẹ mình, bà Patricia, vào lòng một lần nữa? Chẳng ai có thể chắc chắn cả. Và có vẻ như sẽ phải còn lâu nữa.
Trước khi các công sở và doanh nghiệp hoạt động trở lại, giới chức Pháp đã dần dần cho phép các viện dưỡng lão mở cửa vào tuần này, chấm dứt quãng thời gian đóng cửa nghiêm ngặt tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Bất chấp điều đó, vẫn có một làn sóng các trường hợp tử vong vì virus corona xảy ra ở nhà dưỡng lão - mắt xích tử thần của dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia.
Đối với nhiều người, việc được nhìn thấy cha mẹ của họ sau quãng thời gian dài xa cách là điều rất đáng mừng.
"Tôi biết điều đó quan trọng như thế nào với mẹ", ông Christopher Cronenberger nói sau khi gặp người mẹ 87 tuổi của mình, bà Germaine, bất chấp một cái bàn rộng và tầm băng ngăn cách giữa họ.
"Chúng tôi có điện thoại và mẹ tôi vẫn còn sáng suốt. Chúng tôi nói chuyện qua điện thoại mỗi ngày. Tôi biết mọi thứ đều ổn nhưng tiếp xúc trực tiếp thì tốt hơn", ông Cronenberger nói.
Nhưng đối với những người khác, việc đi thăm kiểu này đặt họ vào trạng thái khó tả, tất nhiên là vẫn tốt hơn là không gặp, nhưng còn xa thì mới khiến họ hài lòng. Sau cùng thì, làm sao mà ngồi cách nhau một chiếc bàn và phải đeo khẩu trang có thể bù đắp cho hàng tháng trời xa cách cơ chứ?
Hai mẹ con Sabrina và Patricia ngay lập tức nói chuyện qua điện thoại sau khi họ chào tạm biệt và gửi những chiếc hôn gió cho nhau ở viện dưỡng lão. Bà Patricia chầm chậm trở về phòng mình trên chiếc xe lăn, ngoái lại để vẫy tay lần cuối.
"Ngăn không cho chúng tôi gặp con cái là một tội ác. Họ chờ chúng tôi chết thì mới gửi con cái chúng tôi tới", bà Patricia chia sẻ.
"Chúng tôi đang ở trong nhà tù", bà Patricia nói thêm.
Khi virus corona tiếp tục hoành hành ở châu Âu, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Italy, Tây Ban Nha, Anh và Pháp đã cấm người dân tới thăm viện dưỡng lão nhằm bảo vệ cho bộ phận dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh. Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác cũng áp đặt quy định tương tự.
Mặc dù virus gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình ở nhiều người, nó có thể gây ra những biến chứng nặng hơn ở người già và người có vấn đề về sức khỏe. Các viện dưỡng lão trở thành nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì bệnh dịch ở châu Âu. Tại Pháp, hơn một phần ba trong số 21.300 trường hợp tử vong vì Covid-19 là được ghi nhận tại các viện dưỡng lão.
Tổn thương tinh thần to lớn
Thiệt hại tinh thần đối với người già vì không được tiếp xúc với người thân là vô cùng lớn, và hầu hết đều không được biết đến vì nó diễn ra sau cánh cửa đóng kín của viện dưỡng lão. Đối với một số gia đình, thông tin duy nhất mà họ có được là những cập nhật chung chung đến từ quản lý viện dưỡng lão.
Giờ đây, khi việc tới thăm được cho phép trở lại, người ta đã có một cái nhìn đầy đủ hơn về hoàn cảnh của những người già trong viện dưỡng lão Pháp.
Tổng thống Emmanuel Macron đã chú ý đến điều này, ông là người yêu cầu đóng cửa các viện dưỡng lão trước tiên và yêu cầu mọi người không đến thăm người thân cao tuổi trước khi ra lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 17/3.
Nhưng tuần này, ông đã đăng lại đoạn băng trên Twitter về cụ bà Jeane Pault, 96 tuổi, người bật khóc vì cảm thấy bị kẹt lại trong phòng của mình ở viện dưỡng lão, và không thể gặp chồng và gia đình hàng ngày như trước kia.
"Tôi bị khóa trong này cả ngày. Đây không phải là cuộc sống. Hàng xóm của tôi không nhiễm virus. Tôi cũng không. Chúng tôi có thể gặp nhau và nói chuyện một chút được không", bà Pault chia sẻ trong nước mắt.
"Thưa bà, nỗi đau của bà khiến tất cả phải động lòng. Đối với các cụ, những người cao tuổi đang sống ở viện dưỡng lão của chúng ta, việc đến thăm đã được cho phép. Luôn luôn dành ưu tiên bảo vệ các cụ", ông Macron đáp lại trên Twitter.
Tuy nhiên nhiều gia đình khác đang cảm thấy giận dữ trước việc số người già tử vong vì Covid-19 tại các viện dưỡng lão chiếm tỷ lệ cao. Thậm chí, nhiều gia đình còn kiện các cơ sở này vì bỏ mặc và gây nguy hiểm cho những người cao tuổi.
Cô Sabrina tin rằng việc đóng cửa những viện dưỡng lão không phải là để bảo vệ người cao tuổi mà để ngăn chặn không cho các gia đình biết được điều gì đang xảy ra trong đó.
"Tôi cảm thấy ghê sợ. Đó là cha mẹ của chúng tôi ở đằng sau những bức tường đó. Không ai có quyền tước đoạt họ khỏi chúng tôi như thế", cô Sabrina nói.
Cô lo lắng rằng mẹ mình, một thợ làm tóc đã nghỉ hưu từng bị đột quỵ, sẽ suy giảm thể chất và tinh thần đáng kể sau nhiều tuần bị giam trong phòng.