Đại dịch Covid-19 đẩy hàng triệu người Philippines vào cảnh đói nghèo
Số liệu công bố bởi Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) ngày 15/8 cho thấy, khoảng 2,3 triệu người Philippines đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2018 cho đến năm 2021, phần lớn là hậu quả từ suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo đó, tổng số người Philippines sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2021 đã tăng lên gần 20 triệu người, chiếm 18,1% dân số, so với mức 16,7% vào năm 2018, vượt xa mục tiêu của chính phủ đặt ra là chỉ từ khoảng 15,5% đến 17,5%.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Arsenio Balisacan, tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đặt mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo ở Philippines xuống 9% vào năm 2028 - năm cuối nhiệm kỳ 6 năm của ông, 1 mục tiêu được đánh giá khả thi bất chấp lạm phát tăng cao.
Ông Balisacan cho biết, chiến lược của chính phủ sẽ tập trung vào việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, đầu tư vào nguồn nhân lực và bảo trợ xã hội, cũng như chuyển đổi các lĩnh vực sản xuất để tạo ra nhiều việc làm chất lượng và sản phẩm cạnh tranh hơn.
Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Philippines khẳng định, chính phủ có thể giảm tỷ lệ nghèo đói 5 điểm phần trăm vào giữa nhiệm kỳ, tiếp đó giảm thêm 4 điểm phần trăm vào năm 2028.
Theo ông Balisacan, trước đại dịch, vào năm 2018, nước này đã đạt được mục tiêu đưa 6 triệu người Philippines thoát nghèo, về đích sớm 4 năm so với mục tiêu đặt ra là vào năm 2022.
Tuy nhiên, những biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 áp dụng trong năm 2020 và việc các hộ gia đình khó khăn gặp hạn chế trong tiếp cận cơ hội việc làm đã đẩy nhiều người Philippines rơi vào tình cảnh tái nghèo.
Số liệu thống kê về tình trạng đói nghèo ở Philippines được PSA công bố 3 năm 1 lần.
Theo định nghĩa của cơ quan này, người Philippines bị liệt vào danh sách đói nghèo khi thu nhập bình quân đầu người của họ không thể đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm cũng như phi thực phẩm.