Đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ Latinh tăng mạnh
Khoảng 80% người dân Mỹ Latinh thuộc diện dễ bị tổn thương với thu nhập dưới mức nghèo khổ, do đó các chính phủ trong khu vực cần thúc đẩy các hệ thống bảo trợ xã hội.
Theo báo cáo của Ủy Ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc (LHQ), đại dịch COVID-19 đã khiến số người nghèo đói tại khu vực Mỹ Latinh tăng lên 209 triệu người trong năm 2020, tương đương 33,7% dân số của khu vực này và đây là tỷ lệ nghèo đói cao nhất được ghi nhận trong 12 năm qua.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, báo cáo "Toàn cảnh xã hội Mỹ Latinh 2020" của CEPAL chỉ ra rằng số người nghèo đói trong khu vực này đã tăng 22 triệu so với năm 2019. Số người nghèo cùng cực là khoảng 78 triệu người, chiếm tỷ lệ 12,5% và là mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây.
Thư ký điều hành CEPAL Alicia Bárcena cho biết, khoảng 80% người dân Mỹ Latinh thuộc diện dễ bị tổn thương với thu nhập dưới mức nghèo khổ, do đó các chính phủ trong khu vực cần thúc đẩy các hệ thống bảo trợ xã hội.
Trong năm ngoái, các nước Mỹ Latinh đã thực hiện 263 biện pháp bảo trợ xã hội khẩn cấp, qua đó hỗ trợ gần 326 triệu người dân trong khu vực và giúp làm chậm lại tốc độ gia tăng số người nghèo đói.
Cũng theo báo cáo của CEPAL, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề cấu trúc của khu vực Mỹ Latinh, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong 120 năm qua ở khu vực này với GDP giảm 7,7% trong năm 2020, đưa GDP bình quân đầu người trở về mức của 10 năm trước đó.
Đại dịch cũng đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ Latinh lên đến 10,7%, tăng 2,6% so với năm 2019. Những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là Peru (39,5%), Colombia (21,8%), Argentina (20,9%) và Costa Rica (20,1%).
CEPAL dự báo GDP của Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2021 và phải tới năm 2024 khu vực này mới phục hồi hoạt động kinh tế về mức của năm 2019.
Tính đến nay, khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận hơn 20 triệu ca nhiễm COVID-19 khiến hơn 635.000 người tử vong. Đây là khu vực chịu tác động mạnh thứ hai trên thế giới, chỉ sau châu Âu, xét theo số ca tử vong trên dân số.
Cụ thể, Mỹ Latinh chỉ chiếm 8,4% dân số thế giới nhưng ghi nhận tới 27,8% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu. Nguyên nhân một phần do nhiều nước thiếu hụt kinh phí cấp cho hệ thống y tế, nguồn nhân lực, công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, quá trình tiêm chủng đại trà vắcxin ngừa COVID-19 diễn ra chậm chạp và không bình đẳng nên khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm 2021./.