Đại dịch Covid-19 không ngăn cản việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam
Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam do Ngân hàng Standard Chartered tổ chức chiều 7/9 thảo luận các chiến lược để tối ưu cơ hội đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19 đã thu hút sự tham dự của lãnh đạo các doanh nghiệp đến từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.
Điểm sáng thu hút FDI toàn cầu
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã có quá trình tái cơ cấu đầu tư và định vị lại chuỗi cung ứng.
Gần đây, khi bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang tiếp diễn căng thẳng và đặc biệt tác động tiêu cực của dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư, nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.
“Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồng thời với những biện pháp phòng chống Covid-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cụ thể hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020, nhưng kết quả thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, đặc biệt vốn đăng ký mới tăng 6,6%, vốn đăng ký mở rộng và tăng thêm tăng 22,2%.
“Những con số này rất đáng khích lệ, khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, phù hợp với định hướng của Việt Nam. Đó là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng nói: “Tôi nhất trí với ý kiến của Ngài Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận vai trò cùng những đóng góp to lớn của đầu tư nước ngoài trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tôi cũng tin rằng, đầu tư tại Việt Nam thời gian qua đã đem đến cho các nhà đầu tư nước ngoài những kết quả ít nhiều như mong đợi”.
Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng phát biểu
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và các chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chính phủ Việt Nam kiên định quan điểm và định hướng đó, nhưng những thách thức mà đại dịch Covid-19 đem tới đòi hỏi Việt Nam phải linh hoạt hơn trong ứng phó và có những giải pháp cụ thể, kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực và khi được, biến thách thức thành cơ hội.
Chuẩn bị và chủ động đón cơ hội đầu tư mới
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á nhận định, với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Nhiều công ty khởi nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam nhằm tận dụng khoảng cách địa lý gần và khả năng kết nối với các quốc gia châu Á để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
"Đại dịch Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, tuy nhiên, điều đó không nên ngăn cản chúng ta tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam", ông Nirukt Sapru nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, thời gian vừa qua, để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao cũng như thu hút đầu tư các tập đoàn lớn trên thế giới, Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư.
Cụ thể, chuẩn bị hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch, đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để đón các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
“Đồng thời, ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một loạt bộ luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh như: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) đã được thông qua với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam…”, Bộ trưởng thông tin.
Điểm đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) cũng đã được Quốc hội thông qua mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU.
Hai Hiệp định này cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác, được xem như các tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới; đem lại lợi thế về tiếp cận thị trường khi Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20.
Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), việc thực hiện đồng thời cả Hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã có những bước đi đúng đắn, kịp thời nhằm ứng phó trước các tác động của đại dịch.
Sự quyết liệt trong công tác điều hành chính sách Ngân hàng Trung ương đã mang lại nhiều kết quả quan trọng: lạm phát được kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm đáng kể, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng, qua đó góp phần duy trì môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp, hỗ trợ các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn.
Những kết quả khả quan này là yếu tố quan trọng góp phần củng cố mức tín nhiệm quốc gia và lòng tin của nhà đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư phục hồi kinh tế.
Cũng theo Thống đốc, đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động kinh tế - giao thương bị đình trệ trên phạm vi toàn cầu. Đầu tư nước ngoài, với đặc điểm nổi bật là sự dịch chuyển dòng vốn và các nguồn lực xuyên biên giới, là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, dẫn đến yêu cầu đối với các nhà đầu tư phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc phụ thuộc quá mức vào một số lượng nhỏ các thị trường.
“Đây là thách thức đối với các chính phủ trong giữ chân nhà đầu tư, nhưng cũng là cơ hội để các nước đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích và thu hút đầu tư, mà về phía Ngân hàng Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo ổn định vĩ mô, ổn định tiền tệ, tỷ giá, và phát triển lành mạnh một khu vực ngân hàng có khả năng chống chịu cao và kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế.
Để đạt được mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác dự báo, xây dựng và cập nhật những kịch bản có thể xảy ra và triển khai các hành động chính sách phù hợp để một mặt hỗ trợ tăng trưởng, mặt khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, hiệu quả cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài”, Thống đốc nhấn mạnh.
Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động tập trung vào ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered, khởi đầu là Diễn đàn Kinh doanh ASEAN Standard Chartered 2020 được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4.700 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới.
Phiên thảo luận chiều 7/9 còn có sự tham gia của ông Soren Bech, Tổng giám đốc RB Health Vietnam và ông C. K. Tong, Tổng giám đốc BW Industrial Development, được điều phối bởi ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, và ông Nguyễn Xuân Thành, Thành viên độc lập không điều hành của Hội đồng thành viên, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.
Sau Hội nghị, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered tiếp cận các doanh nghiệp có quan tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để cung cấp thông tin về chính sách pháp luật, hỗ trợ trong quá trình tìm hiểu đầu tư, kết nối đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư một cách thuận lợi.