Đại dịch Covid-19 - tác nhân cho ngành robot phục vụ bùng nổ
Sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 đã làm thay đổi hoàn toàn ngành phục vụ trong các quán ăn tại các quốc gia trên khắp thế giới.
Skylank Holdings - nhà điều hành chuỗi nhà hàng gia đình lớn nhất tại Nhật Bản, dự kiến có khoảng 2.000 quán ăn được robot phục vụ vào cuối năm 2022.
Nhân viên phục vụ robot có thể đưa thức ăn cho tối đa bốn người đến một bàn được chỉ định, sau đó thu dọn bát đĩa sau khi khách hàng ăn xong. Trong một thử nghiệm mới đây tại Tokyo, các robot đã cắt giảm một nửa số khâu mà nhân viên phải thực hiện lúc nhà hàng đông khách.
Với việc chính phủ Nhật Bản nới lỏng các hạn chế đối với việc ăn uống bên ngoài và các hoạt động khác do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Skylark đã nghĩ đến việc sử dụng robot nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân công mà không làm giảm chất lượng dịch vụ. Máy chủ robot sẽ giảm tiếp xúc giữa khách hàng và nhân viên con người, từ đó giúp giảm nguy cơ lây truyền virus corona.
Dự kiến, các robot phục vụ được ra mắt vào cuối tháng 4/2022 tại hơn 1.000 địa điểm, sẽ có mặt tại hơn 60% trong số khoảng 3.000 nhà hàng của Skylark trên khắp đất nước mặt trời mọc. Trước đó, Skylark đã ra mắt hàng loạt công nghệ khác, bao gồm việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào tháng 5/2019 và menu màn hình cảm ứng vào tháng 2/2020.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều công ty, nhà hàng của Nhật Bản cho công nhân robot thử sức. Saizeriya, nhà điều hành các quán ăn món Italy, đã thử nghiệm robot từ đầu năm 2020. Còn chủ quán rượu Watami hiện đang sử dụng robot phục vụ các món ăn tại 16 trong số 26 nhà hàng thịt nướng Yakiniku no Watami ở Nhật Bản.
Các quốc gia khác cũng đang tích cực đưa robot vào sử dụng ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh đại dịch phải hạn chế tiếp xúc giữa người với người.
Tại Singapore, các robot có trí tuệ nhân tạo làm phục vụ trong các nhà hàng hay nhà bếp là điều thường gặp. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, nhiệm vụ chính của các robot là đưa các món ăn đã hoàn tất từ nhà bếp ra cho shipper. Grab cho biết, cách thức vận hành này sẽ giúp tự động hóa một số công đoạn tại nhà bếp trung tâm nhận order từ ứng dụng của Grab.
Ngoài ra, cơ quan Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Nội vụ Singapore mới đây thông báo, nước này đã đưa vào thử nghiệm hai robot nhằm phát hiện các hành vi xấu như vi phạm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, hút thuốc ở khu vực cấm và đậu xe đạp không đúng quy định.
Tại Đức, công ty đường sắt quốc gia Deutsche Banhn (DB) cho triển khai thử nghiệm robot làm sạch ở nhà ga trung tâm Frankfurt có khả năng quét sạch cả các virus gây bệnh Covid-19. Robot tự hành mang tên "Manni" do công ty khởi nghiệp Spring Mobility ở Berlin chế tạo.
Theo giới chức nước Đức, robot có thể quét và làm sạch bề mặt sàn, vô hiệu hóa virus bằng cách sử dụng nước ozon hóa vốn là chất khử trùng tự nhiên có hiệu quả cao trong việc chống virus SARS-CoV-2.
Điều này sẽ giúp hỗ trợ và giảm tải khá nhiều cho đội ngũ nhân viên vệ sinh của nhà ga, vì mỗi ngày robot có thể làm sạch và khử trùng khoảng 12.000 m2 mặt sàn.