Đại dịch COVID-19 tròn 5 năm: Sự thật và những bí ẩn còn lại về loại virus này

5 năm trước, một loại virus mới bí ẩn xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, khởi đầu một trong những cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn nhất lịch sử nhân loại.

Được biết đến với tên gọi COVID-19, virus này đã nhanh chóng lan rộng toàn cầu, thay đổi đời sống con người và phơi bày những bất bình đẳng trong hệ thống y tế. 5 năm sau, virus vẫn tồn tại, dù đã bớt nguy hiểm nhờ các biện pháp phòng ngừa và khả năng miễn dịch được phát triển rộng rãi.

 Một nhóm các bác sĩ, y tá và chuyên gia trị liệu đang chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nguy kịch tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Vila Nova Cachoeirinha, phía bắc São Paulo, Brazil. Ảnh: CC/Wiki

Một nhóm các bác sĩ, y tá và chuyên gia trị liệu đang chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nguy kịch tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Vila Nova Cachoeirinha, phía bắc São Paulo, Brazil. Ảnh: CC/Wiki

Tác động toàn cầu và những con số biết nói

COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Con số chính thức được báo cáo là hơn 7 triệu, nhưng WHO tin rằng số ca tử vong thực tế cao gấp ba lần. Tại Mỹ, virus vẫn cướp đi trung bình 900 sinh mạng mỗi tuần trong năm qua, chủ yếu ở nhóm người từ 75 tuổi trở lên.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia bị quá tải. Các bệnh viện chật kín bệnh nhân, trang thiết bị y tế thiếu hụt, và nhiều nhân viên y tế làm việc trong điều kiện kiệt sức. Đại dịch không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế, giáo dục và tâm lý xã hội.

Thành tựu y học: Từ vắc xin đến những đột phá khoa học

Một trong những thành công lớn nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 là sự phát triển nhanh chóng của vắc xin. Chưa đầy một năm sau khi virus được xác định, các vắc xin đầu tiên từ Pfizer và Moderna đã được phê duyệt, đánh dấu một kỳ tích y học. Công nghệ mRNA, vốn được phát triển qua nhiều năm nghiên cứu, đóng vai trò quan trọng trong thành công này.

Hơn 13 tỷ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn thế giới, đóng vai trò to lớn trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Dù vậy, các vắc xin hiện tại không thể ngăn chặn hoàn toàn các ca nhiễm nhẹ và khả năng bảo vệ giảm dần sau vài tháng, đòi hỏi các liều tiêm nhắc lại thường xuyên. Điều này khiến công chúng cảm thấy mệt mỏi và dẫn đến tâm lý ngần ngại tiêm vắc xin.

Hiện tại, các nhà khoa học đang nghiên cứu vắc xin thế hệ mới, bao gồm vắc xin dạng xịt mũi, với hy vọng tăng cường khả năng ngăn chặn lây nhiễm. Những nỗ lực này hướng đến mục tiêu tạo ra các biện pháp bảo vệ lâu dài và phù hợp hơn với sự tiến hóa liên tục của virus.

Nguồn gốc bí ẩn và những tranh cãi

Nguồn gốc của COVID-19 vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Các nhà khoa học tin rằng virus có khả năng bắt nguồn từ loài dơi, sau đó lây sang người thông qua một vật chủ trung gian, như gấu mèo hoặc cầy hương. Những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm 2019, liên quan đến khu chợ hải sản ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, sự hiện diện của các phòng thí nghiệm nghiên cứu virus tại Vũ Hán đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng virus rò rỉ từ một cơ sở nghiên cứu. Tranh cãi này càng trở nên phức tạp khi các quốc gia cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin và cản trở điều tra quốc tế.

WHO và nhiều tổ chức khác vẫn tiếp tục nỗ lực truy tìm nguồn gốc virus, nhưng việc này bị cản trở bởi các yếu tố chính trị và thiếu bằng chứng rõ ràng. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, việc xác định nguồn gốc virus có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí mãi mãi là một bí ẩn.

Những bài học từ đại dịch và tương lai của y tế toàn cầu

COVID-19 đã để lại nhiều bài học quý giá. Đại dịch nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào hệ thống y tế, năng lực sản xuất vắc xin và hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Dù đại dịch đã giảm bớt mức độ nghiêm trọng, virus vẫn tiếp tục tiến hóa. Biến thể omicron hiện chiếm ưu thế tại Mỹ, với biến thể phụ XEC chiếm 45% các ca nhiễm. Điều này đòi hỏi các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách duy trì cảnh giác, cải thiện năng lực giám sát dịch bệnh và sẵn sàng đối phó với các đại dịch trong tương lai.

WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế học hỏi từ đại dịch, không chỉ để tưởng nhớ những mất mát mà còn để xây dựng một hệ thống y tế bền vững hơn. Như một tuyên bố của tổ chức này nhấn mạnh: "Hãy cam kết học hỏi từ COVID-19 để xây dựng một ngày mai khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người".

Hoài Phương (theo Newsweek, NPR)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-dich-covid-19-tron-5-nam-su-that-va-nhung-bi-an-con-lai-ve-loai-virus-nay-post328822.html