Đại diện EVN: Điều chỉnh giá điện 4,8% sẽ tác động đến CPI khoảng 0,09%
EVN khẳng định việc điều chỉnh giá điện bám sát các văn bản, như: Luật điện lực năm 2024; Nghị định 72, trong đó quy định rõ phương pháp tính giá điện, thời gian, biên độ và các chi phí đầu vào.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam, thông tin với báo chí về việc điều hành đảm bảo điện, chiều 9/5. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Tại buổi họp trao đổi thông tin liên quan công tác điều hành đảm bảo điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức chiều 9/5, tại Hà Nội, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết việc điều chỉnh giá điện sẽ tác động nhất định làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
“Trong giai đoạn vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập đoàn phối hợp rất chặt chẽ với Cục Thống kê (Bộ Tài chính) để giám sát và theo sát diễn biến của chỉ số CPI, cũng như diễn biến của chỉ số đầu vào cho sản xuất-kinh doanh điện cũng như các chỉ số tác động đến GDP của toàn quốc. Riêng phần giá điện điều chỉnh 4,8%, sẽ tác động đến CPI khoảng 0,09%,” ông Võ Quang Lâm nói.
Đại diện EVN cũng khẳng định việc điều chỉnh giá điện bám sát các văn bản pháp lý hiện hành, như: Luật điện lực năm 2024; Nghị định 72/CP, trong đó quy định rõ phương pháp tính giá điện, thời gian, biên độ và các chi phí đầu vào… Cùng đó, trên cơ sở của Thông tư 22 năm 2025 của Bộ Công Thương và Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, EVN thường xuyên cập nhật các biến động của các chỉ số đầu vào.
Nhằm đảm bảo cung ứng điện, đại diện EVN cho biết ngay từ cuối năm 2024, tập đoàn đã xây dựng và điều hành hệ thống điện, thị trường điện để có thể đáp ứng được việc tăng trưởng khoảng 8%, với mục tiêu tăng trưởng điện thương phẩm dao động khoảng 12,2%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 tăng thêm khoảng 33,6 tỷ kWh so với năm 2024.
Về cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...
Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.
Do vậy, việc điều chỉnh vào ngày mai 10/5, phía EVN cân nhắc rất kỹ trên cơ sở các chi phí đầu vào, chi phí biến động, sự chi trả của người dân và doanh nghiệp để tìm được điểm trung hòa giữa các yêu cầu. Bởi suy cho cùng, với trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện, để làm sao nền kinh tế vừa đảm bảo tính cạnh tranh và người dân đảm bảo an sinh xã hội.
"Sau khi tính toán rất kỹ lưỡng, đánh giá các tác động, kể cả phần CPI, những tác động đến nền kinh tế, tập đoàn đã đề xuất và EVN ban hành quyết định ngày 7/5 với mức điều chỉnh giá điện 4,8%,” ông Võ Quang Lâm nói./.
EVN thông tin, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.