Đại diện WHO tại Việt Nam: Tăng thuế và giá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sử dụng thuốc lá
Theo TS Jennifer Houston - Phó trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới cho thấy, can thiệp hiệu quả và ít chi phí nhất để giảm sử dụng thuốc lá là tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá.

TS Jennifer Houston - Phó trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam
TS Jennifer Houston cho rằng, đây là lý do tại sao WHO tăng cường kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ phương án tăng thuế thuốc lá mạnh nhất. Thuế thuốc lá cao hơn kéo theo giá cao hơn, sẽ khuyến khích những người hút thuốc bỏ thuốc lá và ngăn ngừa những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc.
"Thuế thuốc lá giống như một loại vaccine chống lại tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của thanh thiếu niên - bằng cách ngăn chặn họ bắt đầu hút thuốc, chúng ta đang giúp bảo vệ họ khỏi những rủi ro của việc sử dụng thuốc lá suốt đời", TS Jennifer Houston, nhấn mạnh.
Cải cách thuế sẽ đạt được lợi ích cùng thắng bằng cách giảm tiêu thụ thuốc lá và giảm các tác hại từ thuốc lá đối với sức khỏe người dân, đồng thời giúp tăng nguồn thu ngân sách từ thuế thuốc lá để đầu tư cho các ưu tiên chính của chính phủ.
Tiêu dùng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 108.000 tỷ đồng mỗi năm
Nghiên cứu từ Hội Khoa học Kinh tế Y tế cũng cho biết, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 21,7 triệu giờ lao động do bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá. Ngoài ra, theo ước tính của UNDP (2024), chỉ riêng việc hút thuốc trong giờ làm việc cũng làm giảm năng suất lao động tương ứng với 3.300 tỷ đồng/năm.

Mỗi năm Việt Nam mất khoảng 21,7 triệu giờ lao động do bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá
Tăng thuế thuốc lá, do đó, không chỉ nhằm giảm tiêu dùng, mà còn giúp cải thiện sức khỏe lao động và hiệu quả làm việc – hai yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất, đổi mới sáng tạo (Chỉ thị 05/CT-TTg, 2025).
Việt Nam hiện nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Các số liệu thống kê cho thấy năm 2021, tỉ lệ hút thuốc trong dân số là 20,8%, trong đó tỉ lệ hút thuốc trong nam giới là trên 41%. Đa số người hút thuốc ở Việt Nam trong nhóm tuổi từ 15 đến 55 tuổi là lực lượng lao động chính trong xã hội.
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do là bệnh không lây nhiễm. Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít lực nhất 69 chất gây ung thư. Phụ nữ và trẻ em khi sử dụng hay tiếp xúc thụ là động với khói thuốc có thể có các nguy cơ như sảy thai, sinh non, thai chết lưu, trẻ em sinh ra có thể bị nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ. Trẻ em hít phải khói thuốc thụ động sẽ dễ mắc viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn. Sử dụng thuốc lá có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bộ não của trẻ vị thành niên.

Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít lực nhất 69 chất gây ung thư
Với hơn 15 triệu người hút thuốc hiện nay tại Việt Nam, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm đáng kể và ngày càng tăng. Ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các bệnh gây ra do hút thuốc lá chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Theo Báo cáo Chi phí sức khỏe từ sử dụng thuốc lá của Hội Khoa học Kinh tế Y tế (2023), tiêu dùng thuốc lá ở nước ta gây thiệt hại khoảng 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP, do chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động. Song song, Trung tâm Toàn cầu về Quản trị Tốt trong Kiểm soát Thuốc lá cũng ước tính chi phí tổn thất môi trường từ rác thải thuốc lá lên tới gần 99.000 tỷ đồng/năm, tương đương 1,04% GDP.
Tổng cộng, chỉ riêng tiêu dùng thuốc lá đã lấy đi hơn 2,18% GDP mỗi năm, trong khi phần thu từ thuế hay đóng góp doanh nghiệp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng thể kinh tế.
Theo WHO, thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.