Đại đô thị TPHCM 47 năm sau ngày thống nhất đất nước
47 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), TPHCM có bước tiến dài trong xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Định hướng phát triển đến năm 2025, TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Cùng với đó, ngoài nỗ lực phát triển toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, thành phố tập trung tiềm lực đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội và thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới.
Thành phố xác định chương trình đột phá đến năm 2025 là phát triển hạ tầng thành phố. Với tinh thần này, TPHCM sẽ phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp và hạ tầng giao thông (Ảnh: Hoàng Giám).
Những công trình mới làm thay đổi diện mạo thành phố
Công viên Mê Linh và bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) được khánh thành ngày 17/3/2022. Đây là hai công trình vừa được đầu tư nhằm chỉnh trang diện mạo thành phố. Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, hai công trình này là không gian văn hóa quan trọng, tạo điểm đến cho người dân và lưu giữ lại nhiều giá trị lịch sử (Ảnh: Hoàng Giám).
Toàn cảnh Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) hướng ra bến Bạch Đằng (Ảnh: Hải Long).
Việc trùng tu cột cờ Thủ Ngữ trên bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) hoàn tất trong năm 2021 khiến nơi đây mang diện mạo mới mẻ. Cùng với Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng và Cầu Móng, Cột cờ Thủ Ngữ góp phần tạo nên quần thể lịch sử - văn hóa đặc trưng ở trung tâm thành phố (Ảnh: Hải Long).
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn vừa chính thức thông xe ngày 28/4/2022. Cầu dài 1.465m với 6 làn xe, kinh phí đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng, nối liền quận 1 với TP Thủ Đức. Cầu đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Sài Gòn và hầm Thủ Thiêm (Ảnh: Hoàng Giám).
Hàng loạt công trình hạ tầng đô thị đang được triển khai ở Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ tiếp tục được đầu tư, phát triển hệ thống không gian đô thị, gồm các công trình trọng điểm như: Khu phức hợp khách sạn, phức hợp tháp quan sát, quảng trường lớn, cung thiếu nhi… (Ảnh: Hoàng Giám).
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích 657 ha, nằm ở bờ đông sông Sài Gòn đối diện quận 1 (TPHCM). Khu đô thị này được quy hoạch với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, giải trí (Ảnh: Hoàng Giám).
Hạ tầng quận 1 (TPHCM) khu vực triển khai nhà ga ngầm Bến Thành, thuộc dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM, dài 19,8km, được kỳ vọng kết nối giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tương lai.
Công trường metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trên đường Lê Lợi (quận 1) vừa tháo dỡ lô cốt và tiếp tục bàn giao một đoạn gần Nhà hát Thành phố (Ảnh: Hoàng Giám).
Song song Xa lộ Hà Nội là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà ga và đường dẫn trên cao. Dự kiến toàn tuyến metro này sẽ vận hành thử nghiệm trong năm 2022 (Ảnh: Hoàng Giám).
TPHCM "xưa và nay"
Nhắc đến TPHCM, nhiều người nhớ đến những công trình có giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt, nổi tiếng khắp cả nước. Tiêu biểu có thể kể đến là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố và Trụ sở UBND TPHCM. Đây là những công trình mang dáng dấp "Sài Gòn xưa" giữa trung tâm thành phố.
Nhà thờ Đức Bà (quận 1) - một trong những biểu tượng văn hóa của thành phố được xây dựng từ năm 1863. Công trình đặc biệt này hiện đang được trùng tu, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 (Ảnh: Hoàng Giám).
Bưu điện Trung tâm Thành phố được xây dựng từ năm 1886 cũng là một trong những biểu tượng văn hóa - lịch sử của thành phố. Năm 2021 công trình này được UBND TPHCM ra quyết định công nhận là điểm du lịch để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan của người dân, du khách (Ảnh: Hoàng Giám).
Trụ sở UBND TPHCM phía mặt tiền đường Lê Thánh Tôn, quận 1. Công trình này đã hơn 130 năm tuổi, nổi tiếng bậc nhất TPHCM và cả nước (Ảnh: Hoàng Giám).
Trung tâm TPHCM nhìn từ hướng Thủ Thiêm lung linh ánh đèn đêm (Ảnh: Hoàng Giám).
Hạ tầng nhà ở đô thị ven trục đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. TP Thủ Đức được thành lập vào cuối năm 2020, trực thuộc TPHCM. Thành phố trẻ này đang tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thị trường bất động sản tại đây nhận được sự quan tâm lớn kể từ khi trở thành thành phố (Ảnh: Hoàng Giám).
Nút giao thông ngã ba Cát Lái (TP Thủ Đức) được đưa vào sử dụng năm 2010. Nút giao này nằm ở điểm cuối của đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ kết nối với Xa lộ Hà Nội. Đây là tuyến đường quan trọng bậc nhất cửa ngõ phía Đông, nối TPHCM với các tỉnh Đông Nam Bộ. Đây cũng là một trong những nút giao thông "biểu tượng" của TP Thủ Đức và TPHCM (Ảnh: Hoàng Giám).
Nút giao thông An Phú thuộc TP Thủ Đức. Đây là điểm giao cắt của nhiều tuyến đường như Mai Chí Thọ, Lương Định Của và đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. TPHCM đang đề xuất các phương án xây thêm hầm chui, cầu vượt tại đây để giảm ùn tắc giao thông (Ảnh: Hoàng Giám).
Đô thị quận Bình Thạnh với điểm nhấn là tòa nhà Landmark 81 cao nhất cả nước (461m). Kể từ sau khi khánh thành năm 2018, công trình này được xem là biểu tượng mới trong không gian đô thị và sự phát triển của thành phố (Ảnh: Hoàng Giám).
Hạ tầng giao thông, đô thị trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (Ảnh: Hoàng Giám).
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM). Đây hiện là công trình đô thị tiêu biểu, đi kèm với chất lượng dịch vụ hạ tầng nhà ở tốt, hoàn thiện bậc nhất TPHCM (Ảnh: Hoàng Giám).
Kênh Tàu Hủ lung linh ánh đèn đêm (Ảnh: Hoàng Giám).
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 8,7km, chảy qua các quận như Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 3, quận 1 và đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối, hai bên bờ nhà cửa lụp xụp.
Năm 1993, chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Khởi công vào tháng 3/2003, sau gần 10 năm thi công, dự án cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành trong sự vui mừng của người dân thành phố (Ảnh: Hoàng Giám).