Đại đoàn 308: 'Chúng tôi tin sẽ trở về Hà Nội'

Không chỉ nổi tiếng là một lực lương tinh nhuệ, Đại đoàn 308 còn được biết đến là một trong những đội quân có nhiều chiến sĩ - văn nghệ sĩ là người con của Thủ đô Hà Nội. Với niềm tin son sắt, nhiều bài thơ, ca khúc về ngày chiến thắng đã được các chiến sĩ Đại đoàn 308 viết lên như dự cảm về một sự kiện lịch sử tất yếu.

Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên Đại đội phó Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, nhớ rằng: "Đại đoàn 308 chúng tôi hầu hết là người Hà Nội, cho nên cái tính văn nghệ nhiều, chẳng hạn như nhạc sĩ Lương Ngọc Trác thì làm bản "Trường chinh ca", trong đó có câu: "Ta thề trở về chiếm lại hoàn toàn Thủ đô trìu mến", hay câu: "Đã bao lần thề thốt bên mộ chàng trai ấy, nhưng rồi đây ta sẽ trở về chiếm lại Thủ đô".

Đồng thời, Đại tá cũng chia sẻ thêm: "Trong đơn vị tôi có anh Hữu Hiệp, anh này là nhạc sĩ. Trong năm 49, cứ nói là bài "Trở về Hà Nội" của anh Văn Cao lạc quan, còn bài của đồng chí Hữu Hiệp còn sớm hơn, trong đó có câu: "Cờ cờ rợp phố ngàn ngàn ngàn sao, súng súng gươm gươm súng sáng ngời bên tháp Rùa chờ đón cha về".

"Chúng tôi đã hình dung cái ngày trở về. Chúng tôi tin là chúng tôi sẽ về Hà Nội."

Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên Đại đội phó Cơ quan Tham mưu Trung đoàn 88 Đại đoàn 308

Tháng 8/1954, khi được Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng về tiếp quản Thủ đô, những người lính của Đại đoàn anh hùng đã rất đỗi tự hào.

Và rồi, trong buổi sáng ngày 10/10/1954, khi diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm, những chiến binh - nghệ sĩ của Đại đoàn 308 đã khuấy động bầu không khí của ngày Giải phóng, cất tiếng hát lên những bài ca chiến thắng và giai điệu "Ngày về" được vang lên - một bài hát mà người viết cũng là thành viên của Đại đoàn Quân Tiên phong anh hùng, nhạc sỹ Lương Ngọc Trác. Nhạc sỹ đã sáng tác nhạc trên nền thơ của Chính Hữu từ tận năm 1947: "Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu/Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội/Súng tuốt gươm lau, mắt ngời sáng quắc/Nhà siêu mái sập, sát quan cừu ngập lối chân đi".

Đại đoàn 308 tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Đại đoàn 308 tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu

"Chúng ta cười, nhìn gió bay làm tung manh áo tả tơi. Rét run người vì sốt, bao mồ hôi rơi xuống gắng cười. Chốn sa trường vì nước bao chàng trai anh dũng vì dân. Đã bao lần thề thốt bên mộ chàng trai ấy, hờn oán…". Những câu hát trong "Trường Chinh ca" của nhạc sỹ Lương Ngọc Trác đã mô tả vô cùng chân thật những người lính Đại đoàn Quân Tiên phong - sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại đoàn 308 từ Ô Cầu Giấy tiến về Thủ đô trong sáng 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Đại đoàn 308 từ Ô Cầu Giấy tiến về Thủ đô trong sáng 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Nhà nghiên cứu văn học và hội họa Dương Tường từng có một kỷ niệm về bài "Ngày về": “Ký ức có nhiều phương tiện để người ta ngược dòng về quá khứ, dai dẳng nhất trong tôi là những hình ảnh về chiến tranh. Đêm nọ tôi mơ một giấc mơ, một giấc mơ thuộc loại mà khi tỉnh dậy cảm thấy như có một vị ngai ngái của hoài niệm. Hình như đó là mùa thu, gió bứt từng chiếc lá ném xuống đất và mỗi chiếc lá khi chạm đất lại bật lại thành một bài ca. Phút chốc trời bỗng đầy những bài hát, những bài hát thời kháng chiến chống Pháp. Tôi thức dậy bồi hồi, xao xuyến. Những bài hát thời kháng chiến chống Pháp có lẽ không chỉ riêng tôi mà cả lớp người ở lứa tuổi tôi, lớp người đã hát cùng Trung đoàn thủ đô.

...Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa.

Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng…

"Ngày về" của Lương Ngọc Trác, phổ thơ Chính Hữu, những bài hát đó trở thành góc tâm hồn của tôi”.

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dai-doan-308-chung-toi-tin-se-tro-ve-ha-noi-271706.htm