Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị vững mạnh

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mang tính chiến lược, xuyên suốt trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội cùng thách thức lớn của quá trình hội nhập quốc tế, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng mang tính thời sự, có ý nghĩa quan trọng.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mang tính chiến lược, xuyên suốt trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội cùng thách thức lớn của quá trình hội nhập quốc tế, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng mang tính thời sự, có ý nghĩa quan trọng.

Tại Đồng Nai, kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện ngày càng phong phú, sinh động qua những việc làm thiết thực và cụ thể trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Học Bác phát huy sức mạnh toàn dân tộc

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Người cho rằng trước hết cần tuyên truyền, vận động nhân dân, kế đến là phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng phải làm cho Nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân. Coi đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” - Người khẳng định.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, những kết quả Đồng Nai đạt được thời gian qua là nhờ có sự đoàn kết, nhất trí trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự đồng thuận trong nhân dân và toàn xã hội. Đó cũng chính là những việc làm thiết thực nhất trong thực hiện Di chúc và những lời căn dặn của Người, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang quyết tâm thực hiện.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, về tôn giáo, về người Việt Nam ở nước ngoài; từng bước được thể chế hóa thành luật, pháp lệnh, chính sách và ngày càng thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.

Thấm nhuần lời dạy của Bác về sức mạnh đại đoàn kết, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã thật sự có chuyển biến trong nhận thức và hành động về quan hệ với nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết, nguồn lực mạnh mẽ trong nhân dân. Điển hình là các thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, đóng góp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đối với cán bộ lãnh đạo, đảng viên, việc học tập và làm theo phong cách làm việc quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tập hợp, đoàn kết toàn dân có ý nghĩa quan trọng. Thực hiện điều này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, các sở, ban, ngành của tỉnh đã chú trọng lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng, bức xúc của nhân dân, sẵn sàng tiếp thu ý kiến phê bình và kịp thời sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót. Với phương châm “Tăng đối thoại, giảm bức xúc”, rất nhiều cuộc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã được diễn ra trong không khí dân chủ, trực tiếp tháo gỡ những vấn đề người dân quan tâm như: ngập nước tại đô thị Biên Hòa, đối thoại với thanh niên, nông dân, tiểu thương, các hộ dân trong diện giải tỏa mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (trái) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với người dân ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019. Ảnh: Công Nghĩa

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (trái) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với người dân ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019. Ảnh: Công Nghĩa

Hiệu ứng thấy rõ sau các cuộc đối thoại này là các sở, ngành, cơ quan chức năng tập trung giải quyết các vấn đề đặt ra một cách nhanh chóng. Nhờ đó, những bức xúc được tháo gỡ kịp thời, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề trong xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - dự án quan trọng cấp quốc gia, thời gian qua công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân vùng dự án được Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả.

* Từ đồng thuận đến chung sức

Năm 2020, chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Đây cũng là nội dung tư tưởng, chính trị và giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiếp tục đưa nội dung học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất là địa phương có gần 26 ngàn dân, trong đó có đến 99% người dân theo đạo Công giáo. Để góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa chính quyền địa phương và bà con giáo dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đầu năm 2018, Hội Cựu chiến binh xã đã xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình “Xóm đạo bình yên”. Từ mô hình này, những con đường sáng - xanh - sạch - đẹp, an ninh được ra đời, được nhân dân ủng hộ và đánh giá cao.

Cũng từ sự đoàn kết, đồng thuận, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã cùng chung sức làm đổi thay bộ mặt nông thôn, góp phần xây dựng những miền quê đáng sống từ việc ủng hộ vật chất, ngày công lao động đến hiến đất làm đường, giám sát quá trình thực hiện các công trình nông thôn mới. Trong gần 9 năm qua, Đồng Nai đã huy động được nguồn lực 377 ngàn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới (ngân sách chiếm trên 11%, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và huy động nguồn lực trong dân). Ông Nguyễn Ngọc Sơn, một nông dân ở xã Gia Canh đã tích cực vận động xây dựng gần 10 cây cầu giao thông nông thôn tại các xã Gia Canh, Ngọc Định, La Ngà và Thanh Sơn của huyện Định Quán với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, ông Sơn gói gọn trong hai từ “đoàn kết”: “Một mình tôi không thể nào làm được mà thông qua vận động để mọi người cùng góp sức, có đoàn kết là có sức mạnh, đoàn kết thì việc gì khó cũng thành công” - ông Sơn nói.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII

Trái ngọt từ sự đoàn kết và nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân cũng được thể hiện rõ nét qua quá trình vượt khó, cùng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu). Đây là địa phương cấp xã của tỉnh vừa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới; là đơn vị đứng đầu trong công tác cải cách hành chính và chính quyền cơ sở.

Có thể nói, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn nóng hổi tính thời sự, và lại càng có ý nghĩa quan trọng khi Đảng ta đang tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Theo đó, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn bó với nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là những nhân tố hàng đầu bảo đảm chất lượng và thắng lợi của Đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để góp sức thực hiện mục tiêu này, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng cần quán triệt các nội dung và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh bằng các việc làm cụ thể gắn với chức trách, nhiệm vụ của mình. Đây là trách nhiệm lớn, mà trước hết là của tập thể, cá nhân người đứng đầu như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Bảo Hân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bao-xuan/202001/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-xay-dung-ang-va-he-thong-chinh-tri-vung-manh-2984003/