'Đại đoàn thép' của quân đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Kinh hoàng trước cuộc tiến công của 'Đại đoàn thép' Việt Minh, Navarre cấp tốc dùng cầu hàng không đổ một số tiểu đoàn cơ động.
Chiều ngày 26/01/1954, trong khi quân ta đang bao vây Điện Biên Phủ, tiếp tục chuẩn bị và đợi giờ nổ súng thì Tư lệnh Đại đoàn 308 nhận được lệnh trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cấp tốc tiến quân sang hướng Thượng Lào”.
Phối hợp với quân bạn, chỉ trong 10 ngày, Đại đoàn 308 đã tiêu diệt 17 đại đội địch, trong đó có một tiểu đoàn lê dương, giải phóng các cứ điểm Mường Khoa, Mường Ngòi, Nậm Ngà... quét sạch phòng tuyến sông Nậm Hu dài hơn 200 ki-lô-mét, mà địch đã mất công xây dựng trong hai cuộc “hành binh sinh đôi” Ardèche và Régate hồi tháng 11, tháng 12 năm trước.
Liên quân Lào-Việt đã vòng lên phía bắc, giải phóng toàn bộ tỉnh Phongsaly, tràn xuống phía nam đuổi địch đến tận bờ sông Mê Kông, chỉ còn cách thủ đô Luang Prabang 15 ki-lô-mét. Đến đó, sau khi hoàn thành xuất sắc đòn tiến công chớp nhoáng và đòn nghi binh tuyệt diệu, Đại đoàn 308 được lệnh quay về.
Kinh hoàng trước cuộc tiến công của “Đại đoàn thép” Việt Minh, Navarre cấp tốc dùng cầu hàng không đổ một số tiểu đoàn cơ động từ đồng bằng Bắc bộ và cả của chiến dịch Atlante sang tăng cường cho Luang Prabang và Mường Sài, biến nơi đây thành hai tập đoàn cứ điểm, với lực lượng tám tiểu đoàn.
Và đây là đòn tiến công chiến lược thứ năm của quân ta, mà chúng ta có thể hình dung đây là ngón tay xòe thứ năm của Bác, buộc Navarre lần thứ năm phải phân tán lực lượng.
Liên tiếp chịu những đòn trời giáng, tổng chỉ huy Navarre đã lần lượt xé nhỏ lực lượng tập trung của mình, rút ruột đưa những tiểu đoàn cơ động chiến lược ưu tiên bảo vệ vùng châu thổ sông Hồng và sử dụng cho chiến dịch Atlante đi về năm hướng, trên những vùng rừng núi xa xôi: Điện Biên Phủ, Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên và Thượng Lào, để bị giam chân ở đó.
Lực lượng tập trung chiến lược ở đồng bằng Bắc bộ của Navarre gồm 44 tiểu đoàn, giờ đây bị teo lại chỉ còn 21 tiểu đoàn, ở trong tình trạng bị giằng xé, căng mỏng ra bởi chiến tranh du kích và bởi những hoạt động tác chiến có hiệu quả của Đại đoàn chủ lực 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) và hai trung đoàn địa phương của Liên khu 3.
Khi được tin Đại đoàn 308 đã quay về đến Điện Biên Phủ (23/02/1954), Bộ thống soái Pháp mới vỡ lẽ ra rằng đối phương không hề từ bỏ quyết tâm tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng, cố đấm ăn xôi, ngày 12/3/1954, Navarre tiếp tục đợt hai chiến dịch Atlante, cho quân đổ bộ vào Quy Nhơn, nhưng ông ta không ngờ rằng ngay ngày hôm sau, 13/3/1954, đại quân Việt Minh bắt đầu nổ súng, mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Nhớ lại lời giải thích của Bác Hồ về chủ trương và biện pháp phân tán lực lượng địch bằng hình tượng bàn tay xòe rộng, năm ngón tay chỉ về 5 hướng, đối chiếu với thực tế diễn ra trên chiến trường, chúng ta thấy ăn khớp một cách lạ lùng.
Mỗi ngón tay của Bác là một hướng tiến công chiến lược. Năm đòn tiến công chiến lược của quân dân ta (phối hợp với quân dân bạn) đã lần lượt xé nhỏ phần lớn lực lượng tập trung cơ động chiến lược của địch. Và đúng như Bác Hồ đã nói: “Ðịch tập trung quân cơ động để tạo thành sức mạnh! Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán thì sức mạnh đó không còn!”
Thế là trong hiệp đầu của cuộc chiến Đông Xuân 1953-1954, bằng mưu kế chiến lược tài giỏi, Bộ thống soái ta đã “điều binh khiển tướng... giặc” chạy như đèn cù và buộc chúng phải hành động theo ý muốn của ta. Chủ trương phân tán binh lực địch đã thành công. Giờ đây, quân ta đã có thể “rảnh tay” để tập trung đại bộ phận lực lượng, gồm năm đại đoàn chủ lực (308, 312, 316, 304, 351) giáng đòn quyết định vào “con nhím khổng lồ” Điện Biên Phủ.