Đại đức Thích Quảng Nguyên: Cần loại bỏ dần nạn đốt vàng mã!
Thực hiện Công văn số 31 ngày 22/2/2018 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh đã chủ động tuyên truyền, định hướng tổ chức các lễ hội văn minh, tiết kiệm và cấm đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự phật giáo. Đại đức Thích Quảng Nguyên - Phó trưởng Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ với PV Báo Hà Tĩnh về nội dung này.
- PV: Thưa Đại đức Thích Quảng Nguyên, việc cúng, đốt vàng mã quá nhiều, gây lãng phí, tốn kém đang diễn ra khá nhiều nơi và đang có chiều hướng gia tăng. Sư thầy đánh giá như thế nào về thực trạng này trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?
Đại đức Thích Quảng Nguyên: Mỗi độ xuân về, người dân thường có tục lễ chùa với ý niệm cầu may, cầu an, cầu tài, cầu lộc. Điều đáng quan ngại hiện nay, người dân đi chùa đang còn mang nặng tư tưởng sắm đồ lễ, hương hoa, vàng mã. Riêng các thứ vàng mã, ngựa, hình nhân thế mạng, nhà lầu, xe hơi, tờ sớ… được đem đốt hóa ngay trước cửa thiền tịnh làm ô nhiễm môi trường, có thể gây hỏa hoạn, cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng con người.
Đây là một trong những hủ tục, gây lãng phí, tốn kém tiền bạc, không được nhà chùa khuyến khích nhưng vẫn đang tồn tại trong đời sống văn hóa tâm linh của xã hội. Khoản tiền lớn dùng cho việc cúng đốt vàng mã, nếu sử dụng để làm từ thiện, giúp người nghèo và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định an sinh xã hội thì rất ý nghĩa.
- P.V: Thực hiện Công văn số 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Hội Phật giáo Hà Tĩnh đã làm gì để hạn chế tình trạng đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, thưa sư thầy?
Đại đức Thích Quảng Nguyên: Ngay sau khi công văn được ban hành, Ban Trị sự Hội Phật giáo Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh, tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử và đồng bào du khách khi đi lễ chùa chỉ cần thắp một nén nhang trước cửa thiền để thể hiện nét đẹp thành kính trong tâm thức sẽ được đức Phật ghi nhận.
Ban Trị sự Hội Phật giáo, BQL di tích cũng đã chủ động bố trí nhân viên, đón tiếp, hướng dẫn tăng ni, đồng bào phật tử, du khách hành lễ phù hợp thuần phong mỹ tục văn hóa truyền thống. Theo đó, tình trạng đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến đáng kể.
- P.V: Theo sư thầy, giải pháp nào có thể thay đổi nhận thức của người dân để loại bỏ hủ tục đốt vàng mã khi đi lễ chùa?
Đại đức Thích Quảng Nguyên: Việc cúng, hóa vàng mã không có trong đạo Phật. Đây là tập tục tín ngưỡng dân gian ảnh hưởng từ văn hóa Nho giáo phương Bắc, được du nhập vào nước ta từ thời phong kiến.
Cần phải nhận thức đúng rằng, lễ Phật phải xuất phát từ tâm. Tâm thành kính mới là quan trọng nhất. Khi đã thành kính rồi thì mới sắm sửa các lễ vật sao cho phù hợp. Việc cúng đốt thật nhiều vàng mã tại đền, chùa, miếu mạo không phải là được phù hộ, mang lại nhiều may mắn mà đó là nhận thức sai lầm, cổ hủ, lạc hậu, đi ngược lại thời đại văn minh hội nhập.
Đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước, ngành VH-TT&DL, các địa phương và cả hệ thống chính trị cần có sự vào cuộc, đồng hành cùng với các cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, hành vi của mình để từng bước loại bỏ dần hủ tục cúng đốt vàng mã một các thái quá; động viên người dân tham gia các lễ hội văn hóa văn minh, an toàn, tiết kiệm, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Các cơ quan chức năng cũng nên ngăn chặn từ gốc bằng cách tuyên truyền, hỗ trợ người dân từng bước dừng việc sản xuất, buôn bán vàng mã, chuyển đổi nghề nghiệp làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu.
- P.V: Xin cảm ơn Đại đức Thích Quảng Nguyên!
Quang Sáng