'Đại gia' công nghệ trả phí cho báo chí: Chuyện chẳng đặng đừng!

Nhật báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) ngày 8/8 vừa qua tung ra thông tin vừa khiến giới truyền thông giật mình vừa vui mừng về việc Facebook đề nghị trả tiền bản quyền tới 3 triệu USD/năm cho một số hãng thông tấn để được quyền sử dụng tin tức của họ.

Giật mình và vui mừng bởi cách đó chỉ vài năm, chuyện đòi phí bản quyền tin tức từ các “đại gia” công nghệ vẫn gây nhiều tranh cãi.

Thẻ tin tức và bản hợp đồng bản quyền sử dụng tin

Theo WSJ, để “hợp pháp hóa” việc sử dụng tin tức, các đại diện Facebook đã nói sẵn sàng thảo ra bản thỏa thuận theo đó sẽ trả tới 3 triệu USD/năm (gần 70 tỉ đồng) cho các cơ quan thông tấn, báo chí. Việc sử dụng tin tức này bao gồm việc dẫn lại các tít báo, phần nội dung xem trước của các bài báo trên cung cấp trên nền tảng của họ. Con số 3 triệu USD/năm hay thời hạn 3 năm của bản thỏa thuận có lẽ còn chưa thật chính xác bởi nội dung cụ thể buổi thương lượng giữa Facebook với những tên tuổi hàng đầu như ABC News, Dow Jones, Washington Post và Bloomberg… chưa được chính thức công khai. Cũng chưa rõ đã có cơ quan báo chí nào chính thức đặt bút ký vào bản thỏa thuận bán bản quyền tin tức cho Facebook chưa.

Ông chủ Mark Zuckerberg của Facebook dưới góc nhìn châm biếm của báo chí.

Dù vậy, sự mạnh tay chi của Facebook được xem “cú dọn đường” ấn tượng cho thẻ tin tức việc phát hành cái gọi là news tab- thẻ tin tức mà “người Facebook” râm ran từ bấy lâu và có thông tin cho là sẽ được “ông vua” mạng xã hội này chính thức trình làng vào mùa thu năm nay. Với thẻ tin tức, Facebook sẽ để các hãng tin tức được tự ý cân nhắc việc nội dung của họ sẽ xuất hiện như thế nào trên Facebook. Cụ thể, các hãng tin hoặc sẽ tổ chức tin tức của mình trực tiếp trên Facebook, hoặc chỉ hiển thị tiêu đề (headline) và phần xem trước (preview) trên thẻ tin tức, từ đó người đọc bấm vào và được chuyển tới trang web của đơn vị xuất bản.

Sự ra đời của thẻ tin tức hay cuộc thương lượng trên được cho là sự nhượng bộ và “biết điều” hơn của “Đức Vua” sau hàng loạt những phản ứng vô cùng gay gắt từ giới truyền thông báo chí “truyền thống”. Rất nhiều cơ quan báo chí đã đồng loạt cho rằng chính sự lấn lướt của Facebook cũng như nhiều “đại gia” công nghệ khác như Google trên thị trường quảng cáo trực tuyến đã lấy đi nguồn thu rất đáng kể của họ.

Việc chẳng đặng đừng hay câu chuyện không muốn cũng phải làm

“Chẳng đặng đừng” hay “không muốn cũng phải làm” có thể xem là câu ví von cho những động thái rất đáng giật mình trên của Facebook. Bởi trên thực tế, câu chuyện buộc những “đại gia” công nghệ như Facebook, Google… trả phí cho đơn vị sản xuất tin tức - những nhà sáng tạo nội dung đã là câu chuyện “nóng” được đưa ra bàn thảo và gây ra tranh luận trái chiều từ nhiều năm nay. Trong nhìn nhận của những nhà sản xuất nội dung cũng như giới quan sát, việc Facebook, Google… hiển thị các tít bài, nội dung xem trước của tin tức trên công cụ tìm kiếm cũng như phần cung cấp tin của họ, nói trắng ra, chẳng khác gì việc vi phạm bản quyền, “chôm chỉa” sức sáng tạo của người khác. Trong quan điểm của họ, một khi đã đưa sản phẩm nội dung họ sản xuất ra kiếm tiền thì đương nhiên là phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận.

Không dừng lại ở sự ấm ức, phẫn nộ, thời gian qua, hàng loạt các quốc gia, tổ chức đã có động thái chính thức và dứt khoát với câu chuyện “sử dụng chùa” tin tức của Facebook, Google… Ngày 23/7/2019, Pháp đã là quốc gia châu Âu đầu tiên thông qua luật cải tổ về bản quyền, buộc các ông lớn công nghệ như Google, Facebook trả tiền cho các nội dung báo chí, điển hình là tin tức của các hãng truyền thông. Cụ thể, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật về quyền tác giả dành cho báo chí và truyền thông, với mục tiêu cho phép các cơ quan báo chí và đơn vị truyền thông được hưởng một phần thu nhập từ hoạt động quảng cáo, khai thác thông tin của các đơn vị cung cấp nền tảng trung gian hay mạng xã hội như Facebook và Google. Cụ thể, theo dự luật này, các cơ quan báo chí và truyền thông được quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp các phần mềm, ứng dụng tìm kiếm, khai thác thông tin trên môi trường internet hay các trang mạng xã hội phải trả tiền khi các đơn vị này trích dẫn hay đăng tải lại sản phẩm của họ. Luật quyền tác giả đối với báo chí và truyền thông còn quy định, các nhà báo, phóng viên, tác giả trực tiếp của các bài viết, video hay sản phẩm âm thanh cũng sẽ nhận được một phần thù lao, trong số thù lao mà Google hay Facebook trả cho cơ quan chủ quản.

Trước đó, tháng 3/2019, sau hơn 2 năm 6 tháng tranh luận, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Chỉ thị về quyền tác giả (Copyright Directive) trên thị trường internet. Điều 15 của Chỉ thị này quy định về việc bảo vệ các tác phẩm báo chí được đăng tải trên internet và việc khai thác trực tuyến các sản phẩm này. Nghị viện châu Âu yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp để triển khai nội dung Chỉ thị này thành luật cụ thể của mỗi quốc gia và Pháp là quốc gia thành viên đầu tiên triển khai một phần Chỉ thị này của EP.

Đã đi thì sẽ thành đường. Hành trình đấu tranh cho “bản quyền tin tức” báo chí đã và đang được mở ra… và báo chí, coi như cũng được nhẹ gánh phần nào trong nỗi buồn bị mạng xã hội lấn át.

Nguyễn Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-gia-cong-nghe-tra-phi-cho-bao-chi-chuyen-chang-dang-dung-post66562.html