'Đại gia đầu bạc' Trần Phương Bình và chuyện 'giấu vàng' ở Ngân hàng DAB
Ngày 16/6, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Trần Phương Bình (cựu TGĐ Ngân hàng TMCP Đông Á- DAB) và đồng phạm ra xét xử.
Cựu TGĐ DAB và 9 đồng phạm bị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan ngân hàng.
Tại phiên tòa sáng nay, “đại gia đầu bạc” Trần Phương Bình và bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó TGĐ DAB) có đơn xin xét xử vắng mặt.
HĐXX cho rằng, các bị cáo đã được triệu tập hợp lệ và có lời khai tại CQĐT, hơn nữa hai bị cáo vắng mặt do không đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe để di lý từ TP HCM ra Hà Nội.
Sự vắng mặt của các bị cáo không làm ảnh hưởng đến việc xét xử. Do đó, HĐXX quyết định xét xử vắng mặt bị cáo.
Các bị cáo tại tòa
Đây là vụ án thứ ba ông Trần Phương Bình bị đưa ra xét xử. Trước đó, vào năm 2018, ông Trần Phương Bình đã phải nhận án tù chung thân vì những sai phạm trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của DAB.
Tháng 11/2020, ông Trần Phương Bình tiếp tục nhận án tù chung thân vì liên quan đến vụ thất thoát hơn 8.000 tỷ đồng của ngân hàng.
‘Kẻ giấu vàng’
Trong vụ án này, cáo trạng xác định, ngày 29/12/2008 DAB Chi nhánh Hà Nội ký Hợp đồng vay luân chuyển cho Công ty An Phát vay 185.000 chỉ vàng, tài sản đảm bảo thế chấp là 74 quyền sử dụng đất mang tên Công ty An Phát, trị giá 430 tỷ đồng.
Hợp đồng này dùng các quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của Công ty An Phát để làm tài sản đảm bảo, nhưng không có tài liệu thể hiện ý chí của Đại hội đồng cổ đông, HĐQT của Công ty An Phát về việc đồng ý thế chấp tài sản để vay vàng; hợp đồng thế chấp không làm thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo.
Kết quả điều tra xác định, hợp đồng vàng này là khống, thực tế không có việc giải ngân vàng cho Công ty An Phát, các hồ sơ tài liệu, chứng từ được lập chỉ là để hợp thức hóa theo yêu cầu của ông Trần Phương Bình.
Việc này nhằm mục đích che giấu số vàng mà trước đó bị ông Trần Phương Bình làm thất thoát.
Tại CQĐT, cựu TGĐ DAB khai đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến tìm cách hợp thức hóa số vàng bị thất thoát bằng hình thức chỉ đạo các Chi nhánh lập hồ sơ tín dụng và các chứng từ khống về việc cho vay vàng vào thời điểm cuối năm trước khi chốt sổ sách.
Sau khi chốt sổ sách và báo cáo tài chính xong sẽ tiếp tục lập các chứng từ khống thu hồi vàng về để tránh việc tồn ảo tại các chi nhánh.
Về phần mình, tại CQĐT, ban đầu bà Xuyến khai nhận phù hợp với lời khai của ông Bình, nhưng sau đó bị cáo thay đổi lời khai, cho rằng không biết về việc hợp thức hồ sơ, mà chỉ phê duyệt theo nội dung tờ trình của Chi nhánh Hà Nội.
Theo lời khai của thủ quỹ DAB Chi nhánh Hà Nội, thực chất không có việc giải ngân, thu nợ, thu lãi vàng của Công ty An Phát. Toàn bộ hồ sơ, chứng từ, sổ quỹ, biên bản kiểm quỹ đều được lập khống theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Thị Kim Đường (cựu Giám đốc DAB Chi nhánh Hà Nội).
Các cán bộ của Ngân hàng Đông Á thực hiện hợp đồng trên đều khai, do có sự chỉ đạo, gây áp lực từ bà Xuyến nên đã phải lập hồ sơ và chứng từ. Việc có giải ngân vàng thật hay không thuộc trách nhiệm của bộ phận ngân quỹ.
Tại tòa, bà Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty Đầu tư và Du lịch An Phát) khai, không hề có việc giải ngân cho vay vàng như nội dung hợp đồng.
Thực chất mục đích ký hợp đồng vay vàng là để bị cáo lấy bộ hồ sơ tín dụng đi kêu gọi đầu tư cho Công ty An Phát thông qua 1 đối tượng môi giới người Hồng Kông (không rõ tên tuổi địa chỉ). Bà Mai không nhận tiền hay vàng ra khỏi ngân hàng, hồ sơ lập ra chỉ là hình thức.
Cáo trạng xác định, ông Trần Phương Bình còn giúp bà Mai nhiều lần vay tiền tại DAB và trực tiếp phê duyệt gói tín dụng 500 tỷ đồng cho Công ty An Phát.
“Đại gia đầu bạc” chỉ đạo DAB Chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh cho bà Mai, làm hồ sơ gấp, bỏ qua các quy trình thẩm định và không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo.
Liên quan tới Công ty An Phát, vào năm 2017, bà Phan Thúy Mai từng bị TAND Hà Nội xử phạt 16 năm tù vì có hành vi chiếm đoạt 2 đất nền biệt thự trị giá hơn 30 tỷ đồng của doanh nghiệp này để mang đi cầm cố lấy tiền chi tiêu cá nhân.
Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DAB đề nghị triệu tập người giám định Công ty kiểm toán BDO để xác định rõ số tiền vay vốn có sử dụng đúng mục đích không, căn cứ nào để đưa ra kết luận giám định?
Trước ý kiến của luật sư, vị chủ tọa cho biết, do phiên tòa kéo dài nhiều ngày, nếu thấy cần thiết tòa sẽ triệu tập người liên quan.