Đại gia Đường 'bia': Sẵn sàng ứng tiền trước thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội mỗi năm
Bên cạnh 'tố' Hà Nội chậm phê duyệt chủ trương dự án nhà ở xã hội 393 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình còn chia sẻ: Sẵn sàng ứng tiền trước để xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Sẵn sàng ứng tiền trước thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội mỗi năm
Theo ông Nguyễn Hữu Đường - người có biệt danh đại gia "Đường bia", mặc dù là đảo quốc với diện tích khiêm tốn, thế nhưng hiện nay 100% người dân Singapore đều có nhà ở. Trong đó, 85% người dân ở trong các dự án nhà ở xã hội, mức giá chỉ bằng 1/3 thương mại.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhu cầu mua nhà ở xã hội rất lớn. Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy có khoảng 22,5 triệu người có nhu cầu mua nhà ở. Phần lớn trong số đó có thu nhập trung bình và trung bình thấp chỉ đủ năng lực mua các dòng nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội.
Mặc dù vậy, phân khúc nhà ở xã hội đang rất hiếm nguồn cung, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM.
Vì vậy, ông Đường cho rằng, không chỉ Công ty TNHH Hòa Bình, mà nhiều doanh nghiệp khác rất mong muốn đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Thậm chí, ông Đường khẳng định sẵn sàng tự ứng tiền trước để thực hiện dự án.
“Tôi đã rất nhiều lần đề nghị với các cấp có thẩm quyền cho phép chúng tôi mỗi năm làm 1 triệu căn nhà ở xã hội mà nhà nước không cần phải bỏ tiền trước”, ông Đường nói.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Đường chia sẻ: UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ cần có quy hoạch rõ ràng các khu đất làm nhà ở xã hội. Ví dụ, Hà Nội đã có quy hoạch 5 khu làm nhà ở xã hội tập trung. Sau đó, doanh nghiệp có thể tự ứng tiền trước để giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng và thực hiện xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Khi hoàn thành và bán xong các căn hộ, các địa phương có thể thu thuế VAT và một số loại thuế khác từ người mua nhà, các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, công ty xây dựng,.... lấy số tiền thuế đó trả cho chủ đầu tư đã ứng tiền trước đó. Ông Đường khẳng định, vấn đề này hoàn toàn khả thi nếu thực hiện.
Giá nhà ở xã hội trong nội thành 20 triệu đồng/m2, ngoại thành 15 triệu đồng/m2
Liên quan tới các giá bán của nhà ở xã hội, ông Đường cho rằng, với các dự án nằm trong nội thành, mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 là hợp lý. Trong khi đó, với các dự án nằm xa hơn, nằm ở khu vực ngoại thành thì 15 triệu đồng/m2 là chủ đầu tư đã có lãi.
“Với mức giá như trên người dân Việt Nam nào cũng có cơ hội mua được nhà. Giả sử, một dự án nhà ở xã hội nằm ở ngoại thành có giá 15 triệu đồng/m2. Diện tích tối thiểu của căn hộ là 30m2, một ngủ một vệ sinh chỉ có giá 450 triệu đồng, rất phù hợp với người lao động có thu nhập trung bình. Ngay cả người có thu nhập thấp vay tiền mua nhà cũng không quá áp lực về vấn đề tài chính”, ông Đường nói.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng do có giá rẻ nên chất lượng các dự án nhà ở xã hội sẽ không bằng các dự án nhà ở thương mại.
Phủ nhận quan điểm này, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình khẳng định: Với những quy định, quy chuẩn nhà ở như hiện nay, chất lượng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại là như nhau. Thậm chí, với những chủ đầu tư có kinh nghiệm và có “tâm”, chất lượng có thể hơn nhà ở thương mại.
“Với tình trạng giá nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ đang tăng phi mã như hiện nay, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội chính là giải pháp tốt để ghìm cương giá nhà”, ông Đường nói.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình đánh giá rất cao sáng kiến của TP HCM, khu đất nào đang để hoang hóa sẽ làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông Đường cho rằng quỹ đất tại các đô thị lớn, nhất là TP HCM đang rất hạn chế, không có nhiều, nên khó có thể triển khai nhiều dự án đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, ông Đường rất tiếc trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã có Nghị quyết tạo thêm quỹ đất để doanh nghiệp làm nhà ở thương mại, nhưng lại không có Nghị quyết tạo quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Do đó, trong thời gian tới, ông Đường đề nghị Nhà nước ưu tiên phát triển loại hình nhà ở này.