Đại gia năng lượng Đức cảnh báo khủng hoảng châu Âu vẫn chưa kết thúc
Công ty tiện ích E.On của Đức tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa kết thúc mặc dù thị trường năng lượng đã lắng dịu đáng kể.
Theo E.On, một trong những công ty tiện ích hàng đầu của Đức, mặc dù thị trường năng lượng bình tĩnh hơn đáng kể và giá khí đốt tự nhiên bán buôn thấp hơn nhiều, châu Âu vẫn có thể phải đối mặt với giá tăng đột biến trong mùa đông này nếu nguồn cung đột ngột thiếu hụt trùng hợp với nhiệt độ lạnh hơn bình thường.
“Mặc dù mức độ biến động trong ngày vẫn cao so với giai đoạn trước cuộc khủng hoảng năng lượng, các đợt tăng giá đáng kể so với tháng 8 năm 2022 đã không xảy ra trong nửa đầu năm 2023,” E.ON cho biết trong báo cáo kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay vào thứ Tư.
Giám đốc điều hành Leonhard Birnbaum nói với Bloomberg Television trong một cuộc phỏng vấn: “Khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng mùa đông năm ngoái đã giảm đáng kể, tuy nhiên điều này cũng có thể thấy trên thị trường kỳ hạn”.
Ông nói thêm: “Nhưng chúng ta phải hiểu rõ rằng sự thay đổi cấu trúc do cuộc chiến của Nga ở Ukraine và việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu sẽ tiếp tục và do đó cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc”.
Trong khi đó, Giám đốc tài chính của E.ON, Marc Spieker cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa kết thúc và tình hình cung cấp năng lượng ở châu Âu có thể xấu đi vào cuối năm nay.
Hiện E.ON lạc quan hơn về năm nay và mùa đông sắp tới so với năm ngoái, đồng thời báo cáo doanh thu ròng đã điều chỉnh tăng 40% trong nửa đầu năm 2023 so với nửa đầu năm 2022, điều này “bị ảnh hưởng xấu bởi môi trường năng lượng-công nghiệp”.
“Sau một thời gian dài khủng hoảng, chúng tôi cảm thấy những khó khăn đối với hoạt động kinh doanh đang giảm dần. Chúng tôi thấy thị trường năng lượng ngày càng phục hồi”, ông Birnbaum nói, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo Kpler, nhập khẩu LNG của châu Âu đạt 11,8 tỷ m3 trong tháng 7, mức thấp nhất trong 11 tháng trong bối cảnh nguồn cung từ các đường ống duy trì ổn định, tỷ lệ lấp đầu kho chứa ngầm cao và nhu cầu khí đốt theo mùa thấp hơn. Điều này giữ cho giá LNG tại lục địa già ở mức thấp hơn so với giá LNG tương đương của châu Á.
Tương tự châu Âu, châu Á cũng chứng kiến nhập khẩu LNG giảm trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 8% so với tháng 7/2021, ở mức 30 tỷ m3. Các nhà phân tích cho biết điều này xảy ra trong bối cảnh hoạt động kinh tế trì trệ ở Trung Quốc và dự trữ cao cũng như sản xuất điện hạt nhân nhiều hơn ở Nhật Bản.
Khánh Vy (Theo Oilprice)