Đại gia rót thêm vốn cho trung tâm thương mại, thị trường tiêu dùng ngày càng 'nóng'
Sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng Việt Nam, được thể hiện bằng việc một loạt 'ông lớn' đang có ý định rót cả tỷ USD, mở thêm trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Các công ty nghiên cứu thị trường cũng đánh giá lĩnh vực bán lẻ là “miếng bánh” hấp dẫn và phân khúc trung tâm thương mại rất tiềm năng.
Thị trường tiêu dùng Việt đang hấp dẫn nhà đầu tư
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành bán lẻ do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa thực hiện mới đây cho thấy, tính đến thời điểm này, cả nước có trên 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ báo cáo đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch.
Tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn. Đặc biệt, trong cuộc đua phục hồi sau đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự tăng tốc của nhiều doanh nghiệp trong việc ứng dụng số hóa vào quản trị, vận hành, logistics lẫn phân phối.
Từ đầu năm đến nay, một loạt “ông lớn” ngoại đang có ý định tiếp tục rót vốn, mở thêm trung tâm thương mại tại Việt Nam. Điển hình, hồi tháng 2/2023, Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế có diện tích 8,62 hecta, tổng vốn đầu tư hơn 169 triệu USD được khởi công. Đây là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp được đánh giá có quy mô lớn nhất miền Trung hiện nay.
Hay như MM Depot Thanh Hóa - trung tâm giao hàng thứ 7 của MM Mega Market (thành viên thuộc Tập đoàn đa quốc gia BJC/TCC - Thái Lan) trên toàn quốc, vừa đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, phục vụ trung chuyển, lưu trữ, phân phối nguồn thực phẩm với số lượng lớn, tươi sống đến khách hàng xứ Thanh.
Cuối tháng 2/2023, Central Retail Corporation của Thái Lan tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đặt mục tiêu đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới. Động thái trên của các đại gia bán lẻ chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng Việt Nam, dù nền kinh tế đang phải đối mặt với khó khăn nhất định.
Theo ông Joonsuk Park, Giám đốc Kinh doanh quốc tế, Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp (HSBC Việt Nam), thị trường tiêu thụ nội địa của Việt Nam là một đấu trường quan trọng không kém đối với các công ty đa quốc gia. Nghiên cứu của HSBC chỉ ra, đến năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam sẽ vượt xa Thái Lan, Anh và Đức.
“Bước sang năm 2023, chúng tôi chứng kiến một số công ty đa quốc gia toàn cầu ở châu Á thể hiện quan tâm đến Việt Nam, tham gia vào lĩnh vực bán lẻ, chất bán dẫn, điện tử, linh kiện di động, nhựa, năng lượng tái tạo, logistics,... Họ đang tìm cách mở rộng hoặc đầu tư mới vào Việt Nam”, đại diện HSBC chia sẻ.
Doanh nghiệp nội vẫn có ưu thế?
Với các doanh nghiệp trong nước, ngoài chuỗi trung tâm thương mại Vincom và một số trung tâm thương mại của Saigon Co.op thì nhân tố mới được kỳ vọng đối đầu với các đại gia ngoại là tập đoàn THACO của tỷ phú Trần Bá Dương. Ông Dương vừa đưa trung tâm thương mại Thiso Mall đầu tiên của tập đoàn đi vào hoạt động cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương cho biết chiến lược mảng thương mại - dịch vụ của tập đoàn là vận hành các loại hình bất động sản theo mô hình “một điểm đến - nhiều tiện ích, dịch vụ”. Trước mắt, mục tiêu của THACO đến năm 2026 là mở rộng hệ thống lên 14 địa điểm trải dài từ Bắc đến Nam, trở thành tập đoàn thương mại - dịch vụ hàng đầu, mang đến trải nghiệm dịch vụ toàn diện cho khách hàng.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp Việt có lợi thế ở phân khúc siêu thị nhưng trung tâm thương mại lại nghiêng về các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, với khả năng hiểu người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp nội vẫn có ưu thế trong cuộc chiến nếu có tiềm lực tài chính và đầu tư bài bản.
Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng, những ai chậm thích ứng với những xu hướng mới đã phải ra đi. Năm 2019 đã chứng kiến sự ra đi của nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và xu hướng của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp rút khỏi thị trường có đặc điểm chung là mô hình kinh doanh kém linh hoạt, khả năng tài chính hạn chế, thiếu đầu tư vào việc phát triển sản phẩm và dịch vụ cũng như chậm mở rộng mạng lưới. Trong khi đó, những nhà bán lẻ thắng cuộc có chiến lược mở rộng nhanh chóng, nắm bắt tốt thị hiếu tiêu dùng và có khả năng chiếm các vị trí đắc địa.
Điển hình là trong năm 2022, loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh phải đóng cửa và trả mặt bằng là do không đáp ứng theo chuẩn mới của cửa hàng. Người phát ngôn của của Thế Giới Di Động (MWG) chia sẻ, việc đóng cửa nhằm thay đổi cách bố trí của hàng loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh, chuẩn hóa diện tích và chỉ tập trung vào khoảng 2.000 -3.000 mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, thường xuyên.
Việc thay đổi cách bố trí cửa hàng, tăng trải nghiệm mua sắm của Bách Hóa Xanh cũng không phải là trường hợp cá biệt, những biểu tượng đình đám một thời như Icon68, Diamond, Parkson Plaza tích cực cải tổ, thay đổi hình ảnh. Thậm chí, một tên tuổi có tiếng trên thị trường là Big C tái định vị thương hiệu bằng việc đổi tên thành đại siêu thị GO!, nhằm mang đến những trải nghiệm mua sắm mới mẻ và cải tiến hơn.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý vận hành chuỗi đại siêu thị GO), cho biết: "Để giữ vững vị thế cạnh tranh trong ngành bán lẻ, chúng tôi chắc chắn phải không ngừng thay đổi, cải tiến để bắt kịp thời cuộc. Việc đổi tên là một trong những bước chuyển đổi chiến lược của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu cầu mới mẻ, đa dạng của người tiêu dùng!".