Đại gia Trầm Bê: Bị buộc tội Cố ý làm trái, bị cáo không phục

'Nếu chỉ có Sacombank sai là do nhận thức cá nhân tôi yếu kém. Không lẽ 3-4 ngân hàng lớn như vậy nhận thức giống nhau. Đề nghị HĐXX xem lại, hỗ trợ cho bị cáo', Trầm Bê nói.

Bị cáo Trầm Bê nhiều lần cười khi trả lời HĐXX Sáng 10/1, TAND TP.HCM tiến hành xét hỏi các bị cáo trong đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh. Bị cáo Trầm Bê nói rằng ông không phục khi bị xét xử về tội Cố ý làm trái.

Sáng 10/1, phiên tòa xử đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh tiếp tục ngày thứ 3 với phần xét hỏi các bị cáo. Đại gia Trầm Bê được gọi lên trả lời về khoản cho vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank cho VNCB.

Bị cáo Trầm Bê cho biết ông Phạm Công Danh là khách hàng lâu năm của ngân hàng, qua quan hệ tín dụng làm ăn chung với nhau.

Trả lời câu hỏi của Thẩm phán Phạm Lương Toản, bị cáo Trầm Bê thừa nhận chưa nghiên cứu kỹ luật tổ chức tín dụng dù bị cáo đã làm tín dụng 10 năm nay. Trầm Bê cho rằng các hành vi của bị cáo do nhận thức khác nhau về các quy định của luật Tổ chức tín dụng. “Luật quy định nếu thu được vốn, không bị mất tài sản thì sẽ không bị khởi tố hình sự”, Trầm Bê nói.

Bị cáo Trầm Bê trả lời HĐXX. Ảnh: Tùng Tin.

Bị cáo Trầm Bê trả lời HĐXX. Ảnh: Tùng Tin.

Tuy nhiên, thẩm phán cho rằng với các hành vi sai trái, bị cáo không thể giải thích nhận thức của mình không đúng. Trong trường hợp này, bị cáo chỉ không quan tâm đến phương án kinh doanh trả nợ, chỉ cần có tài sản đảm bảo.

Trầm Bê phủ nhận và cho rằng khi đưa Phạm Công Danh xuống gặp Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank), Trầm Bê đã tin tưởng mình giao việc cho người nắm nghiệp vụ và tham mưu vững. Từ đó, Sacombank đã cho các công ty do Phạm Công Danh giới thiệu vay 1.800 tỷ đồng, mức cho vay tối đa trong quyền hạn của ông Trầm Bê.

“Khi giao cho Tổng giám đốc, bị cáo không theo dõi nữa mà giao anh Khang toàn quyền theo dõi vụ việc. Cho tới khi cơ quan pháp luật vào cuộc thì đã tất toán hết rồi, chứ không phải xảy ra chuyện rồi mới thanh lý. Tất toán bằng cách trừ bảo lãnh của VNCB”, bị cáo Trầm Bê khai.

Đại gia này phân bua rằng nếu bị cáo hiểu sai quy định của luật Tổ chức tín dụng thì chỉ có Sacombank liên quan. Tuy nhiên, trong vụ việc này, ngoài Sacombank còn có TPbank và BIDV; trong đó BIDV là ngân hàng lớn với 100% vốn Nhà nước.

Trầm Bê bật cười khi nói về ngôi nhà "có mười mấy tỷ" bị kê biên tại quận 6. Ảnh: Tùng Tin.

Trầm Bê bật cười khi nói về ngôi nhà "có mười mấy tỷ" bị kê biên tại quận 6. Ảnh: Tùng Tin.

“Nếu chỉ có Sacombank sai là do nhận thức cá nhân tôi yếu kém. Không lẽ 3-4 ngân hàng lớn như vậy nhận thức giống nhau. Đề nghị HĐXX xem lại, hỗ trợ cho bị cáo”, Trầm Bê nói.

Từ đó, Trầm Bê khẳng định việc bị quy tội Cố ý làm trái do nhận thức khác nhau về quy định của luật Tổ chức tín dụng khiến đại gia này không phục. Trầm bê cho rằng cố ý làm trái là vì tư lợi, nhưng trong trường hợp này, Trầm Bê không hề có suy nghĩ đó, chỉ cho rằng đây là kinh doanh bình thường vì luật không cấm.

Ngoài ra, đại gia này cũng đề nghị xem lại hai tài sản đang bị kê biên. Trong đó, ngôi nhà ở đường Hùng Vương (Bình Tân) thuộc sở hữu của chị vợ. Ngoài ra, ngôi nhà ở đường Hồng Bàng (quận 6) là tài sản của hai vợ chồng được cha mẹ để lại, Trầm Bê đề nghị HĐXX xem xét trả lại cho vợ. “Ngôi nhà này không đáng bao nhiêu tiền, chỉ có mười mấy tỷ thôi”, Trầm Bê cười.

Ván cờ ngân hàng 13 năm của đại gia Trầm Bê 13 năm tham gia lĩnh vực ngân hàng, ông Trầm Bê đã có những nước cờ lỗi và phải trả giá, mặc dù "thế trận" đại gia này tạo ra tốt ở một vài thời điểm.

Hà Hương - Hoài Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dai-gia-tram-be-bi-buoc-toi-co-y-lam-trai-bi-cao-khong-phuc-post810658.html