Đại gia Việt chuyển tiền ra nước ngoài thế nào?
Chuyển tiền ra nước ngoài có thể thực hiện theo hai cách, theo nhu cầu cá nhân (du học, chữa bệnh, trợ cấp, định cư…) hoặc chuyển tiền dưới dạng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Phần lớn khối tài sản của các đại gia Việt hiện nay sở hữu thông qua vốn cổ phần tại doanh nghiệp của mình, cùng với đó là các bất động sản, xe hơi... Tuy nhiên, khá nhiều tài sản được để dưới dạng tiền, vàng gửi tại các ngân hàng.
Ngoài tiền gửi tại các ngân hàng trong nước, nhiều vị đại gia cũng chọn cách để tiền tại các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các ngân hàng của Thụy Sỹ.
Nguyên nhân khiến Thụy Sỹ trở thành nơi gửi tiền của giới siêu giàu không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới bởi tính bảo mật thông tin khách hàng gần như tuyệt đối của hệ thống nhà băng tại đây. Tại Thụy Sỹ, để lộ thông tin khách hàng gửi tiền được xem là một hành động phạm pháp.
Nhiều đại gia Việt cũng chuyển tiền ra nước ngoài để mua bất động sản. Thống kê của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ cho biết, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã chi hơn 3 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn năm 2017 dẫn số liệu thống kê sơ bộ của các ngân hàng cho thấy gần đây mỗi năm số tiền người Việt chuyển ra nước ngoài phục vụ cho việc du học, bao gồm học phí và sinh hoạt phí khoảng 1 tỷ USD. Số tiền chi cho đi nước ngoài chữa bệnh cũng là 2-3 tỷ USD.
Báo này cũng dẫn lời tổng giám đốc một ngân hàng cho biết số tiền chuyển dạng định cư, cho biếu tặng cũng không dưới vài tỷ USD/năm. Và đây là các con số được chuyển theo đường chính thức, hợp pháp.
Đại gia Việt chuyển tiền ra nước ngoài bằng cách nào?
Hiện nay, việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu dưới hai hình thức, chuyển với mục đích cá nhân (du học, chữa bệnh, tài trợ…) hoặc chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài.
Đi kèm với các hình thức chuyển tiền này cũng có những hạn chế nhất định.
Nếu như việc chuyển tiền với mục đích cá nhân như du học, chữa bệnh, hay tài trợ người thân… người gửi cần chứng minh mục đích là có thể chuyển tiền. Tuy nhiên, hạn mức chuyển lại tương đối thấp.
Hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài được quy định tại điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ- CP.
Trong đó, người chuyển tiền một chiều ra nước ngoài phải chứng minh được mục đích chuyển theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như học tập; chữa bệnh; công tác, du lịch; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài…
Với các mục đích chuyển tiền cá nhân như trên, số tiền được phép chuyển ra nước ngoài sẽ theo thông báo trong hóa đơn từ nước ngoài. Trong trường hợp không có hóa đơn số tiền chuyển đi sẽ không vượt quá 25.000 USD/người/năm với các mục đích học tập; chữa bệnh; du lịch, thăm viếng; trợ cấp người thân...
Cách chuyển tiền ra nước ngoài thông dụng nhất hiện nay là thông qua dịch vụ Western Union mà các ngân hàng Việt đang làm đại lý. Đây là dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài, có mặt tại hơn 200 quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, còn rất nhiều hình thức chuyển tiền khác như chuyển tiền qua thẻ visa; dịch vụ Money Gram; PayPal...
Tuy nhiên, bằng các cách gửi này, người gửi bắt buộc phải chứng minh mục đích chuyển tiền và đều có hạn mức nhất định.
Làm sao để chuyển hàng trăm triệu USD?
Ngoài việc chuyển tiền thông qua mục đích cá nhân, có một cách mà các đại gia Việt thường sử dụng để chuyển lượng lớn tiền ra nước ngoài một lúc chính là việc chuyển tiền theo phương thức đầu tư ra nước ngoài.
Theo đó, số tiền chuyển đi sẽ dưới dạng vốn đầu tư hoặc góp vốn đầu tư các dự án tại nước ngoài.
Bằng cách này, giới đại gia có thể chuyển số lượng lớn tiền ra nước ngoài một lúc. Tuy nhiên, việc chuyển tiền phải thông qua chủ trương đầu tư được cơ quan chức năng phê duyệt.
Theo đó, khi có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài, cá nhân, doanh nghiệp phải xác định rõ hình thức đầu tư trực tiếp hay gián tiếp để tiến hành xin cấp phép, chuyển tiền một cách phù hợp.
Đối với đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, theo quy định được thực hiện theo hướng dẫn của NHNN. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến động phức tạp của thị trường tài chính quốc tế thì NHNN khá thận trọng và không khuyến khích hình thức đầu tư này.
Đối với hình thức đầu tư trực tiếp, để được đầu tư, nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện như phải có dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, và phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài...
Với những quy định này, nhà đầu tư phải trải qua quá trình thẩm tra, kiểm tra, xem xét rất chặt chẽ của nhiều cơ quan có thẩm quyền mới có được chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài.
Sau khi được phê duyệt đầu tư, việc chuyển tiền ra nước ngoài cũng được NHNN hướng dẫn và quản lý.
Thực tế, giới đầu tư tại Việt Nam đã chuyển hàng chục tỷ USD dưới dạng vốn đầu tư nước ngoài.
Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong quý I/2019, tổng vốn nhà đầu tư Việt Nam được cấp mới ra nước ngoài đã tăng thêm 120 triệu USD.
Ước tính, từ năm 2006 là giai đoạn "bùng nổ" đầu tư ra nước ngoài của giới đại gia Việt. Tính đến đầu năm 2017, Việt Nam đang có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 21,4 tỷ USD.