Đại học Đà Nẵng: Gắn kết, đột phá phát triển khoa học, công nghệ
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng, Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia là 'chìa khóa vàng' để phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng tăng cường gắn kết với các địa phương, doanh nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Đại học Đà Nẵng tích cực triển khai hợp tác với tỉnh Quảng Ngãi (Thỏa thuận số 01/KH-UBND-ĐHĐN) trong nghiên cứu khoa học và ĐMST. Theo đó, ĐH Đà Nẵng chỉ đạo, tạo điều kiện để các trường ĐH thành viên, các viện, khoa, trung tâm trực thuộc chủ động gắn kết với các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tri thức, công nghệ mới. Đây là hướng đi mới phù hợp với xu thế, yêu cầu phát triển vùng và đất nước, đem lại các giá trị phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Gắn kết trong đào tạo, nghiên cứu, góp phần phát triển các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ” (tháng 11/2024).
Theo PGS.TS. Võ Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), sau hơn 3 năm, nhóm nghiên cứu AlgaeVi (Khoa Sinh - Nông nghiệp - Môi trường) của nhà trường đã hợp tác hiệu quả với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), qua đó chuyển giao thành công công nghệ nuôi trồng, chế biến tảo xoắn Spirulina. Sản phẩm này đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là sản phẩm OCOP. Sau giai đoạn triển khai thí điểm, đến nay, HTX đã làm chủ được nguồn giống, nắm vững kỹ thuật nuôi trồng và sản xuất ổn định.
Các sản phẩm từ tảo xoắn như: Bột tảo, cốm tảo, viên nhộng, thạch, trà, sữa chua, bánh quy, bánh trung thu... được người tiêu dùng quan tâm, ưa chuộng nhờ có hàm lượng chất dinh dưỡng, giúp tăng cường sức khỏe, chống lão hóa và có thể hỗ trợ ngăn ngừa tác nhân gây ung thư. Hướng đi này đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, phát triển nông nghiệp sạch.
Một đề tài nghiên cứu khoa học khác của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) có ý nghĩa thực tiễn là “Nghiên cứu nguồn gốc, giá trị dược liệu của cây nghĩa sâm trên địa bàn huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi”. Kết quả bước đầu cho thấy, loài Nghĩa Sâm từng được người dân địa phương nuôi trồng, khai thác từ rất lâu trong lịch sử thời Triều Nguyễn. Theo PGS.TS Võ Văn Minh, việc hợp tác với địa phương để nghiên cứu, có hướng khôi phục loài Sâm quý này sẽ tạo thêm sản phẩm có giá trị, góp phần phát triển dược liệu quý và làm giàu bản sắc du lịch địa phương. Đây cũng là kinh nghiệm như từng phát triển đặc sản tỏi Lý Sơn và một số hải sản khác được khai thác từ vùng biển Hoàng Sa, Việt Nam.
Đại học Đà Nẵng có 6 trường ĐH thành viên, gồm: Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ngoài ra, có các đơn vị thuộc và trực thuộc: Trường Y Dược, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Viện Công nghệ quốc tế DNIIT, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến, Trung tâm Đào tạo Thường xuyên; cùng các viện, khoa, trung tâm trực thuộc khác.
Đại học Đà Nẵng hiện có gần 2.600 cán bộ, giảng viên/nghiên cứu viên; đội ngũ các nhà khoa học có trình độ Tiến sĩ trở lên đạt gần 50% (phần lớn được đào tạo ở các nước tiên tiến). Bình quân mỗi năm, ĐH Đà Nẵng công bố hơn 500 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín (WoS/Scopus) và đăng cai tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo khoa học tầm vóc quốc gia, quốc tế.
Bên cạnh đó, ĐH Đà Nẵng phổ biến, thông tin kịp thời về nhu cầu đặt hàng nghiên cứu ứng dụng, ĐMST của địa phương, doanh nghiệp đến các trường thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc; phát huy tiềm lực các nhóm nghiên cứu liên ngành tham gia giải quyết các vấn đề cấp thiết trong thực tiễn. Đơn cử thông qua Thỏa thuận hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (giai đoạn 2023 - 2028), Viện Khoa học công nghệ tiên tiến thuộc ĐH Đà Nẵng xúc tiến Đề tài thuộc Chương trình KHCN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 (mã số: KC.05/21-30): “Nghiên cứu công nghệ điện phân sản xuất hydro trực tiếp từ nước biển sử dụng xúc tác điện hóa Ru/MoO3 trên bọt Nickel”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Hưng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học công nghệ tiên tiến (ĐH Đà Nẵng) đánh giá, kết quả sẽ góp phần cùng doanh nghiệp làm chủ công nghệ thu khí hydro từ nước biển thông qua các kỹ thuật, vật liệu xúc tác điện hóa. Với việc bước đầu chế tạo, thử nghiệm Hệ thống điện phân nước biển với Hệ điện cực xúc tác kết hợp nguồn năng lượng mặt trời, nhóm nghiên cứu kỳ vọng đóng góp thiết thực phát triển nguồn năng lượng sạch, phục vụ mục tiêu Net-zero của Chính phủ.
Bài, ảnh: HẢI ĐĂNG