'Cơn khát công nghệ' đẩy CHDC Congo vào cuộc đua khai thác mỏ coltan

Nằm giữa những ngọn đồi xanh của vùng Masisi ở Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo), khu khai thác thủ công Rubaya rộn ràng với tiếng máy phát điện.

Tại mỏ khai thác coltan ở Congo. Ảnh: AP

Tại mỏ khai thác coltan ở Congo. Ảnh: AP

Theo hãng AP, hàng trăm người lao động thủ công đang khai thác coltan, một loại khoáng sản quan trọng để sản xuất thiết bị điện tử hiện đại và công nghệ quốc phòng. Đây là loại quặng kim loại đang được săn đón ráo riết trên khắp thế giới.

Thị trấn Rubaya nằm ở trung tâm miền đông CHDC Congo là một khu vực giàu khoáng sản trong nhiều thập kỷ.

Các nhà phân tích cho biết Rubaya có thể là một trong những địa điểm khai thác nằm trong phạm vi của nhiều thỏa thuận kinh tế.

Miền Đông CHDC Congo đã trải qua khủng hoảng trong nhiều thập kỷ. Cuộc xung đột đã tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, khiến hơn 7 triệu người phải di dời.

Khu vực có dấu hiệu leo thang trong thời gian gần đây tại các tỉnh miền Đông, nơi nhóm phiến quân M23 do Rwanda hậu thuẫn, chiếm giữ nhiều khu vực.

Mặc dù đất nước này có nguồn tài nguyên khoáng sản đặc biệt nhưng hơn 70% người dân của CHDC Congo vẫn sống với mức thu nhập dưới 2,15 đô la một ngày.

Cuộc đua khai thác mỏ coltan

Đối với những người dựa vào khai thác loại quặng kim loại coltan để kiếm sống, mọi thứ không có nhiều thay đổi sau nhiều thập kỷ.

Jean Baptiste Bigirimana, một công nhân người Congo đã làm việc trong các mỏ suốt 7 năm qua.

"Tôi kiếm được 40 đô la một tháng, nhưng thế vẫn không đủ. Con cái tôi vẫn cần quần áo, giáo dục và thức ăn”, ông Bigirimana nói.

Coltan là một loại quặng kim loại, mà từ đó được chiết xuất ra kim loại tantalum và niobium. Cả hai kim loại này đều được Mỹ, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản coi là nguyên liệu thô quan trọng.

Tantalum được sử dụng trong điện thoại di động, máy tính và thiết bị điện tử ô tô, cũng như trong động cơ máy bay, linh kiện tên lửa và hệ thống GPS. Trong khi đó, niobium được sử dụng trong đường ống, tên lửa và động cơ phản lực.

Cùng với những nhà cung cấp chính khác là Úc, Canada và Brazil, CHDC Congo chiếm khoảng 40% lượng coltan của thế giới vào năm 2023, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.

Chuỗi cung ứng toàn cầu

Các chuyên gia cho biết không dễ để theo dõi cách coltan xuất khẩu đến các nước phương Tây.

Guillaume de Brier, một nhà nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên tại Dịch vụ thông tin hòa bình quốc tế có trụ sở tại Antwerp, cho biết chuỗi cung ứng coltan trên toàn cầu vẫn khá lỏng lẻo.

Từ miền đông CHDC Congo, coltan thường được các thương nhân mua, và bán cho các nhà xuất khẩu có trụ sở tại Rwanda.

Sau đó, các nhà xuất khẩu sẽ vận chuyển đến UAE hoặc Trung Quốc, nơi coltan được tinh chế thành tantalum hoặc niobium, và bán cho các nước phương Tây dưới dạng kim loại từ UAE hoặc Trung Quốc.

CHDC Congo là quốc gia sản xuất coltan lớn nhất thế giới, một loại khoáng sản được sử dụng để sản xuất pin lithium-ion cho xe điện và các sản phẩm khác.

Trong những tuần gần đây, hai công ty Mỹ đã mở cửa sản xuất tại khu vực này. Nathan Trotter, một công ty Mỹ đã làm việc với Trinity Metals có trụ sở tại Rwanda, công ty sở hữu mỏ thiếc lớn nhất Rwanda.

Và KoBold Metals, một công ty sử dụng Trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, đã làm trung gian cho thỏa thuận mua lại cổ phần của AVZ Minerals của Úc tại các mỏ lithium Manono của Congo.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc thực hiện một thỏa thuận khoáng sản ở miền đông CHDC Congo, nếu có, sẽ gặp phải nhiều rào cản — đặc biệt là khi các nhà đầu tư Mỹ hầu như đã từ bỏ Congo trong hai thập kỷ qua.

Mặc dù chưa có đề xuất chính thức nào về thỏa thuận với Mỹ, nhưng các nhà lập pháp CHDC Congo dường như hy vọng Mỹ sẽ nhanh chóng có thể tiếp cận quyền khai thác khoáng sản.

Hội đồng Doanh nghiệp châu Phi đề xuất rằng quyền tiếp cận các khoản đầu tư này có thể được thực hiện để đổi lấy quan hệ đối tác kinh tế và an ninh dài hạn mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Cụ thể, đề xuất bao gồm: Quyền tiếp cận các mỏ khoáng sản của CHDC Congo dành cho các công ty công nghệ và quốc phòng Mỹ, cùng với quyền tiếp cận một cảng xuất khẩu; kiểm soát một kho dự trữ khoáng sản chung của CHDC Congo để phân chia giữa hai nước. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp đào tạo và thiết bị cho lực lượng CHDC Congo cũng như cho phép tiếp cận trực tiếp quân đội Mỹ tại CHDC Congo.

Trong bối cảnh hiện tại, các nhà sản xuất nổi tiếng thế giới như Apple – hãng sản xuất dòng iPhone – hay Samsung Electronics – nhà sản xuất dòng Galaxy – đều thừa nhận rằng họ sử dụng coltan được đào thủ công ở Congo để tạo nên những chiếc điện thoại thông minh.

Và chính quặng kim loại coltan là thứ chất dẫn điện kỳ diệu cung cấp điện cho những chiếc iPhone, Samsung Galaxy hay nhiều loại điện thoại thông minh khác mà thế giới hiện đại đang sử dụng.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/con-khat-cong-nghe-day-chdc-congo-vao-cuoc-dua-khai-thac-mo-coltan-135616.html