Đại học Đà Nẵng nói gì khi có nhiều cán bộ, giảng viên không về nước?
Ngày 15/3, đại diện Đại học Đà Nẵng đã có thông tin liên quan đến việc nhiều cán bộ, giảng viên được cử đi học không về nước.
19 trường hợp quá hạn chưa về nước
Theo đó, Đại học Đà Nẵng đã làm thủ tục cử tổng số 246 viên chức đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo các Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước và từ năm 2005 đến nay cử hơn 1.000 viên chức đào tạo tiến sĩ bằng học bổng ngoài ngân sách nhà nước.
Công tác quản lý viên chức đi học ở nước ngoài được Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên thực hiện rất chặt chẽ theo đúng các quy định hiện hành, thường xuyên giữ liên lạc với viên chức trong suốt quá trình học tập.
Các trường hợp đi học quá hạn đều có thông báo nhắc nhở, đề nghị viên chức về nước tiếp tục công tác theo cam kết và đề nghị các trường (đơn vị quản lý trực tiếp) xử lý theo quy định.
Từ trước đến nay, Đại học Đà Nẵng có 19 giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài đã quá thời hạn nhưng chưa về nước. Trong đó, 15 trường hợp đi học bằng kinh phí cá nhân hoặc học bổng giáo sư, cơ sở đào tạo nước ngoài cấp; 4 trường hợp được cử đi học theo các Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước.
2 trường hợp viên chức được cử đi học theo các Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước không về nước đã có đơn xin thôi việc. Trên cơ sở chi phí đào tạo Bộ GD&ĐT cung cấp, các trường đã tổ chức xét và ban hành Quyết định đền bù chi phí đào tạo.
2 trường hợp còn lại, hiện nhà trường vẫn tiếp tục liên hệ với viên chức, trong trường hợp chắc chắn không về, Đại học Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các trường xử lý theo thẩm quyền và đề nghị bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định.
Không có chế tài buộc phải về nước
Phía nhà trường cũng cho rằng, do nhiều lý do khác nhau như đang tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu cùng các giáo sư nước ngoài, điều kiện làm việc, thu nhập, gia đình… nên việc một số viên chức được cử đi đào tạo ở nước ngoài đã hết thời hạn nhưng chưa về nước vẫn có thể xảy ra.
Theo quy định, ngoài cam kết của viên chức khi được cử đi học và quyết định bồi hoàn kinh phí khi không thực hiện đúng cam kết thì nhà trường không có chế tài nào khác để buộc viên chức phải về nước khi hết thời hạn học tập.
Trong thời gian tới, Đại học Đà Nẵng cùng với các trường đại học thành viên sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, vận động viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập đúng hạn để về lại trường tiếp tục công tác.
Ông Cao Xuân Tuấn, Trưởng Ban tổ chức cán bộ Đại học Đà Nẵng, cho biết thêm, với 15 trường hợp học bằng kinh phí cá nhân hoặc học bổng giáo sư, cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, trước đây Đại học Đà Nẵng có chế độ khuyến khích đi học, có hỗ trợ mỗi tháng 40% lương cơ bản.
Hiện nay, nhiều người đã chủ động bồi hoàn lại số tiền hỗ trợ này. Còn 4 trường hợp được cử đi học theo các đề án từ nguồn ngân sách Nhà nước chưa trở về thuộc các trường như Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Kinh tế.
Trước đó, ngày 13/3, Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài.
Theo số liệu báo cáo, có tình trạng công dân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi được cử đi du học theo các Đề án, chương trình của thành phố Đà Nẵng, của các đơn vị sự nghiệp gây dư luận không tốt như nhiều trường hợp cán bộ, giảng viên thuộc Đại học Đà Nẵng sau khi hoàn thành xong quá trình đào tạo, công tác ở nước ngoài đã tiếp tục cư trú, làm việc ở nước ngoài, không về nước theo hợp đồng ký kết.