Đại học Đà Nẵng: Tăng cường trao đổi sinh viên, tạo bệ phóng vươn tầm quốc tế

Đại học Đà Nẵng đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có chính sách thu hút sinh viên nước ngoài đến nghiên cứu, học tập, trao đổi văn hóa...

Sinh viên VKU, Đại học Đà Nẵng tham gia Trại hè lãnh đạo quốc tế tại Thái Lan.

Sinh viên VKU, Đại học Đà Nẵng tham gia Trại hè lãnh đạo quốc tế tại Thái Lan.

Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ 1 trong 7 nhiệm vụ, giải pháp là “đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo…”.

Kết luận số 91-KL/TW cũng chỉ rõ “khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam… tăng cường đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài”. Đây là hướng đi chiến lược đối với các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Đại học Đà Nẵng thời gian qua đã chú trọng, tập trung thực hiện tốt.

Tăng cường trao đổi sinh viên “hai chiều”

Phát huy tiềm năng, thế mạnh với mạng lưới hơn 250 đối tác quốc tế trên khắp thế giới, hoạt động hợp tác quốc tế nói chung, trao đổi sinh viên quốc tế nói riêng của Đại học Đà Nẵng ngày càng khởi sắc.

Mới đây, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng liên tục cử các đoàn sinh viên đi học tập, trao đổi nghiên cứu và trải nghiệm văn hóa, ngôn ngữ tại các trường ĐH của Thái Lan.

08 sinh viên của VKU được tuyển chọn, tham dự sự kiện Trại hè lãnh đạo quốc tế (Leadership Camp - 2025) tại Trường Đại học Công nghệ King Mongkut Bắc Bangkok (KMUTNB) với chủ đề “Technopreneur Skills for Global Innovators” (tạm dịch: Kỹ năng Doanh nhân Công nghệ cho những nhà đổi mới sáng tạo toàn cầu).

Chương trình này được tổ chức thường niên, thu hút hàng trăm sinh viên đến từ các trường đại học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, truyền cảm hứng cho sinh viên hướng tới đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trẻ toàn cầu.

9 sinh viên khác của VKU cũng được gửi trao đổi thực tập học thuật quốc tế tại KMUTNB trong khoảng thời gian 2 tháng. Đây là những gương mặt sinh viên ngành Công nghệ thông tin (chương trình song ngữ Anh - Việt, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo) có kết quả học tập nổi bật, năng lực tiếng Anh tốt và đam mê nghiên cứu khoa học.

Thông qua các hoạt động, dự án nghiên cứu ứng dụng AI, các phương pháp học máy (machine learning), học sâu (deep learning) phục vụ tối ưu hóa hệ thống giao thông đô thị, bảo vệ môi trường…, sinh viên VKU có nhiều cơ hội hữu ích trải nghiệm “thực chiến” trong học thuật, làm việc nhóm, học hỏi, phát triển toàn diện cùng các giáo sư, chuyên gia và sinh viên quốc tế.

Theo TS Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng VKU, để có các hoạt động này, VKU đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí từ Dự án hợp tác được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ giai đoạn 2022-2027 nhằm hỗ trợ chi phí vé máy bay khứ hồi, bảo hiểm, lệ phí visa và sinh hoạt phí. Trường đối tác KMUTNB tài trợ cho sinh viên của VKU toàn bộ chi phí sinh hoạt, chỗ ở di chuyển, bồi dưỡng (10.000 THB/tháng) trong suốt thời gian thực tập.

 Sinh viên Trường Đại học Dân tộc Quý Châu, Trung Quốc hoàn thành Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế (3+1) tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

Sinh viên Trường Đại học Dân tộc Quý Châu, Trung Quốc hoàn thành Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế (3+1) tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

Đối với chiều ngược lại, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức bế giảng Chương trình đào tạo (CTĐT) trao đổi sinh viên quốc tế (3+1) với Trường Đại học Dân tộc Quý Châu, Trung Quốc. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ nội dung hợp tác giữa Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Dân tộc Quý Châu. Đây cũng là năm thứ 2 nhà trường tiếp nhận 27 lưu học sinh của trường bạn sang học tập, trao đổi sinh viên.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, trong khoảng 1 năm học tập tại trường, các lưu học sinh của Trường Đại học Dân tộc Quý Châu đã tham gia, hoàn thành tốt 11 học phần (22 tín chỉ) về ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và địa lý Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà trường tạo nhiều cơ hội cho lưu học sinh khám phá văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam tại các danh thắng, làng nghề truyền thống, di sản thế giới của địa phương như: Ngũ Hành Sơn, làng Gốm Thanh Hà, làng Mộc Kim Bồng, Hội An…

Sinh viên đến từ Trường Đại học Dân tộc Quý Châu rất hứng thú với các hoạt động trải nghiệm đón Tết Nguyên đán của Việt Nam, Tết Bunpimay của Lào, đặc biệt được tham dự giao lưu quốc tế tại Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho người nước ngoài khu vực miền Trung lần thứ Nhất do Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đăng cai tổ chức. "Đây là cơ hội góp phần nối nhịp cầu hữu nghị, hợp tác giáo dục bổ ích", lưu học sinh Giai Lệ, Trường ĐH Dân tộc Quý Châu chia sẻ.

Tạo bệ phóng vươn tầm quốc tế

Từ các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế và nền tảng kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ, công nghệ số được trang bị, trau dồi trên giảng đường, ngày càng có nhiều sinh viên của ĐH Đà Nẵng ứng tuyển, nhận được các học bổng quốc tế danh giá.

Điển hình như sinh viên Phí Hạnh Nguyên (lớp 21SPA02, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ), Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng vừa xuất sắc đạt Học bổng toàn phần (trị giá 60.000 bảng Anh) của Đại học Oxford (Vương quốc Anh) để theo học chương trình Thạc sĩ.

 Sinh viên Phí Hạnh Nguyên, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đạt Học bổng toàn phần tiếp tục học Thạc sĩ tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh.

Sinh viên Phí Hạnh Nguyên, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đạt Học bổng toàn phần tiếp tục học Thạc sĩ tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh.

Sinh viên Phí Hạnh Nguyên chia sẻ, để chạm tới giảng đường Oxford danh tiếng, em luôn chủ động trong học tập và nghiên cứu khoa học (điểm trung bình GPA 3,9/4,0, giải Nhất Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường), đồng thời tích lũy hành trang, năng lực hội nhập quốc tế ngay từ năm đầu. Đơn cử như tham gia tình nguyện viên tích cực tại Đại hội Thể thao Học sinh Đông Nam Á - 2024 tại Đà Nẵng, các chiến dịch sinh viên tình nguyện hè, được đại diện sinh viên tham gia Hội đồng trường, đạt Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương”, vinh dự được kết nạp Đảng.

Tương tự, sinh viên Lê Khả Tuyết Phương (Khoa Kinh doanh quốc tế), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cũng đón nhận tin vui khi nhận 2 học bổng toàn phần: 1 Học bổng của Chính phủ Đan Mạch và 1 Học bổng của ĐH Trento (Ý). Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chuyên ngành Khoa học Dữ liệu), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng xuất sắc được nhận cả 2 học bổng danh giá của Châu Âu: Học bổng Erasmus Mundus và Học bổng Eiffel Excellence của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Pháp.

PGS.TS Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng chia sẻ, từ kết quả của các mối quan hệ hợp tác quốc tế bền vững với các trường trong khu vực và thế giới, sinh viên được phát triển chuyên môn, mở rộng tầm nhìn trong môi trường học thuật đa văn hóa. Đây là bệ phóng vững chắc để các em tiếp cận, đạt được học bổng quốc tế tại các nền giáo dục tiên tiến, từ đó đóng góp trở lại cho sự nghiệp giáo dục, văn hóa và khoa học của đất nước.

Tại Hội nghị tăng cường công tác trao đổi sinh viên quốc tế của Đại học Đà Nẵng đầu năm học 2024 - 2025, chủ trương tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế thực chất, bền vững, trong đó chú trọng trao đổi sinh viên cả hai chiều đi và đến đã tạo được sự thống nhất cao, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả trong triển khai tại các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo thuộc và trực thuộc.

Hải Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dai-hoc-da-nang-tang-cuong-trao-doi-sinh-vien-tao-be-phong-vuon-tam-quoc-te-post739721.html