Đại học Điện lực bác bỏ hàng loạt thông tin không chính xác
Những ngày gần đây, theo thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng, Trường đại học Điện lực bị tố cáo có liên quan đến một số lùm xùm về tuyển sinh, bổ nhiệm, xử lý vi phạm… Mới đây, trường đã có thông tin chính thức gửi các cơ quan báo chí, truyền thông về vấn đề này.
Không bao che vi phạm và tuyển sinh viên không đủ điều kiện
Cụ thể, về thông tin và bình luận cho rằng có những sinh viên không trúng tuyển những vẫn được vào học và cấp bằng tốt nghiệp, Nhà trường đã cho rà soát một số trường hợp cụ thể mà báo nêu. Kết quả, về sinh viên L.T.B (SN 1994) ngành Hệ thống điện mà báo nêu, báo cáo của tổ rà soát cho thấy, trong dữ liệu tuyển sinh và tốt nghiệp của Trường chỉ có 1 sinh viên có các chữ cái trong họ tên là L.T.B (SN 1994); sinh viên này thuộc hệ cử tuyển đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao về trường.
Về sinh viên N.T.T (SN 1996) ngành Thương mại điện tử mà báo nêu, theo báo cáo của tổ rà soát, trong dữ liệu tuyển sinh và tốt nghiệp của trường, chỉ có 1 sinh viên có các chữ cái trong họ tên là N.T.T (SN 1996); sinh viên này có đủ điểm trúng tuyển theo qui định và có giấy báo nhập học của trường.
Với thông tin và bình luận cho rằng Nhà trường cố tình bao che hay chậm chễ trong việc xử lý các vi phạm, gần đây, Nhà trường đã nhận được một số đơn thư phản ánh việc có sai phạm trong việc thực hiện các qui định về công tác giảng dạy, tổ chức thi và chấm thi kết thúc học phần tại các Khoa Điều khiển và Tự động hóa và Khoa Công nghệ Năng lượng. Trong đó có những đơn thư chính danh và một số đơn thư nặc danh và mạo danh. Đối với các đơn thư chính danh thuộc thẩm quyền giải quyết, Nhà trường đã thành lập tổ xác minh để giải quyết theo Luật tố cáo. Đối với các đơn thư nặc danh và mạo danh, do có đề cập đến những nội dung cụ thể, nên Nhà trường đã thành lập các tổ rà soát. Cụ thể như sau:
Cụ thể, cuối tháng 2/2019, Nhà trường nhận được đơn thư mạo danh tập thể giảng viên Khoa Điều khiển và Tự động hóa tố cáo một sốgiảng viên có vi phạm trong công tác chấm thi. Ngày 4/3/2019, nhà trường đã ra quyết định 217/QĐ-ĐHĐL thành lập tổ rà soát công tác chấm thi đối với Khoa Điều khiển và Tự động hóa. Hiện Nhà trường đang cho tiến hành kiểm điểm đối với các cá nhân có dấu hiệu sai phạm.
Ngày 19/5/2019, Nhà trường nhận được thư nặc danh gửi đến Đảng ủy Trường đại học Điện lực tố cáo một đồng chí lãnh đạo nguyên là giảng viên Khoa Công nghệ Năng lượng có sai phạm trong công tác giảng dạy. Ngày 4/6/2019, Nhà trường đã ra quyết định thành lập tổ rà soát công tác phân công và thực hiện giảng dạy đối với Khoa Công nghệ Năng lượng. Căn cứ vào kết quả rà soát, ngày 19/6/2019 Ban Thường vụ Đảng ủy của Trường đã có văn bản 322-CV/ĐU đề nghị Ủy ban kiểm tra Đảng xác minh làm rõ các dấu hiệu sai phạm đối với cá nhân liên quan.
Ngày 14/6/2019, Nhà trường nhận được đơn thư chính danh của một số sinh viên Khoa Điều khiển và Tự Động hóa tố cáo một giảng viên của Khoa. Ngày 18/6/2019 Nhà trường đã ra quyết định 728/QĐ-ĐHĐL thành lập tổ xác minh đơn thư tố cáo liên quan đến giảng viên bị tố cáo.
Với các hoạt động quyết liệt kể trên, Trường đại học Điện lực khẳng định không bao che cho bất cứ sai phạm nào. Trong trường hợp qua xác minh và rà soát phát hiện ra các sai phạm, Đảng ủy và Nhà trường sẽ xử lý theo qui định của Đảng, Pháp luật Nhà nước và nội qui Nhà trường.
Bổ nhiệm nhân sự đúng quy trình
Ngày 12/7/2019, trong bài viết “Tiếp vụ lùm xùm tại Đại học Điện lực: Cuộc bổ nhiệm đầy bất ngờ”, Báo Giadinhnet đưa thông tin và bình luận: “Ông Trương Huy Hoàng với tư cách là Hiệu trưởng Trường đại học Điện lực đã bất chấp các qui định và dư luận để đưa ông Nguyễn Lê Cường lên chức Phó Hiệu trưởng bằng mọi giá”. Đại học Điện lực khẳng định, đây là thông tin vô căn cứ.
Việc bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng được thực hiện qua qui trình 5 bước bao gồm nhiều cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm: họp tập thể lãnh đạo, họp tập thể lãnh đạo mở rộng, họp tập thể cán bộ chủ chốt, họp các thành viên Hội đồng trường. Trong các cuộc họp mọi ý kiến đều được thảo luận một cách công khai để mọi người tham khảo trước khi đưa ra quyết định bỏ phiếu. Ý kiến của mỗi thành viên đều chỉ là ý kiến cá nhân, quyết định cuối cùng là của tập thể dựa trên kết quả bỏ phiếu. Qua các cuộc họp ông Cường đều được giới thiệu với tỷ lệ phiếu cao. Điều này cho thấy rằng thông tin và bình luận của báo cho rằng “…phản ứng của nhiều cán bộ giảng viên về cuộc bổ nhiệm đầy bất ngờ…” hay “…Sinh viên, giảng viên hay bất cứ người nào ngoài danh sách đều bị lực lượng bảo vệ ngăn cản, mời ra ngoài” là vô căn cứ và sai sự thật.
Về mối liên hệ giữa việc bị kỷ luật và việc được đưa vào qui hoạch Phó Hiệu trưởng của ông Nguyễn Lê Cường, Luật viên chức 2010, điều 56, khoản 2: nêu rõ: “Viên chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực”. Bên cạnh đó, Qui định 105-QĐ/TW năm 2017, điều 14, khoản 5 cũng nêu: “Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật…”. Như vậy ông Cường bị kỷ luật khiển trách vào tháng 2/2017, đến tháng 4/2018 sau 14 tháng mới được đưa vào qui hoạch là không vi phạm Luật viên chức cũng như qui định của Đảng.
Ông Nguyễn Lê Cường được đánh giá là một cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, căn cứ vào kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cao qua các cuộc họptập thể cán bộ chủ chốt, tập thể lãnh đạo mở rộng, tập thể lãnh đạo, Hội đồng trường đã họp bỏ phiếu và ra nghị quyết giới thiệu ông Cường để Bộ Công Thương bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng. Việc ông Cường được bổ nhiệm thể hiện quan điểm công bằng khách quan của Nhà trường trong công tác khen thưởng kỷ luật, khuyến khích tính dám làm dám chịu trách nhiệm của cán bộ viên chức.
Thông tin rõ về công tác đầu tư xây dựng cơ bản
Văn bản của Trường đại học Điện lực cũng nêu, trường được Chính phủ phê duyệt cho thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập từ năm 2015. Theo Nghị quyết này, “cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện” (Điều 1), trong đó có nội tự chủ về đầu tư mua sắm:
Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đại học công lập khi quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà trường và các nguồn hợp pháp khác do nhà trường tự huy động; thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư; Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay” (Nghi quyết 77/NQ-CP điều 1 điểm 5 khoản b).
Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học quyết định và chịu trách nhiệm đối với các dự án đầu tư mua sắm từ nguồn hợp pháp của đơn vị” (Nghị quyết 77/NQ-CP điều 1 điểm 5 khoản d)
Đối với các công trình xây dựng mà Trường đang triển khai thực hiện, Trường đã vận dụng cơ chế thí điểm tự chủ để triển khai thực hiện. Trường vẫn thực hiện đầy đủ qui trình thủ tục đầu tư xin cấp phép xây dựng và đã được các cơ quan quản lý chức năng cấp phép xây dựng. Nhờ vậy mà trong những năm gần đây, tiến độ các công trình xây dựng được đẩy nhanh, cơ sở vật chất của Nhà trường ngày càng phát triển khang trang, điều kiện học tập sinh viên và làm việc cho giảng viên ngày càng được cải thiện góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Trường đại học Điện lực là một trong số các trường đang được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế tư chủ. Trong giai đoại năm 2015 đến nay, tập thể cán bộ viên chức Nhà trường đã không ngừng nỗ lực cố gắng đưa Trường vượt nhiều khó khăn và thực hiện tự chủ đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, uy tín của trường và sức hút đối với tuyển sinh ngày càng tăng lên. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp luôn duy trì ở mức trên 90% theo đánh giá của các chuyên gia đánh giá ngoài. Trường cũng có sức thu hút đối với các nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ giảng viên của trường ngày càng lớn mạnh, tỷ trọng các giảng viên có trình độ cao như GS, PGS, TS ngày càng cao. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả hai cơ sở. Nguồn thu của trường luôn ổn định bền vững, bên cạnh việc đảm bảo ổn định thu nhập của cán bộ viên chức, trường vẫn có tích lũy cho đầu tư phát triển, nhờ vậy mà không phải cần đến sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.