Đại học Điều dưỡng Nam Định rà soát chương trình đào tạo, tiếp tục đổi mới dạy đáp ứng hội nhập
Trung bình mỗi năm trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tuyển sinh khoảng trên 1.000 sinh viên, học viên. Hiện nay quy mô đào tạo của trường khoảng trên 4000 sinh viên, học viên thuộc các trình độ đào tạo. Đến thời điểm này, Đại học Điều dưỡng Nam Định là cơ sở đầu tiên và duy nhất đào tạo điều dưỡng trình độ tiến sĩ.
Ngày 25/4, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế đã làm việc tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Cùng tham gia đoàn công tác với Thứ trưởng có đại diện lãnh đạo các vụ/cục/ đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.
Trước khi làm việc với Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và các lãnh đạo chủ chốt của Trường Đại học Điều dưỡng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã dành thời gian đi thăm quan thực tế khu giảng đường, phòng học thực hành tiền lâm sàng, khu vực phòng khám của bệnh viện thuộc trường.
Đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng chất lượng cao
Báo cáo với Thứ trưởng, TS Trương Tuấn Anh – Hiệu trưởng trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết, trung bình mỗi năm nhà trường tuyển sinh cả hệ đại học và sau đại học khoảng trên 1.000 sinh viên, học viên. Hiện nay quy mô đào tạo của trường khoảng trên 4000 sinh viên, học viên thuộc các trình độ đào tạo. Trong đó khoảng trên 1000 học viên hệ sau đại học và trên 3000 sinh viên hệ đại học.
Đến nay, trường đã đào tạo trên 30.000 bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh với 4 ngành trình độ đại học, 6 chuyên ngành sau đại học. Đến thời điểm này, Đại học Điều dưỡng Nam Định vẫn là cơ sở đầu tiên và duy nhất đào tạo điều dưỡng trình độ tiến sĩ. Cùng đó, nhà trường đã tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng và Ban hành Chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng; Là đầu mối xây dựng chuẩn chương trình đào tạo điều dưỡng, hộ sinh trình độ đại học.
Thực hiện Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Nhà trường đã và đang xây dựng đề án tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nhằm tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW. Sau khi tổ chức lại, số đầu mối thuộc và trực thuộc trường sẽ giảm từ 21 đầu mối xuống còn 17 đầu mối.
Hiệu trưởng Trương Tuấn Anh cũng cho biết, trong năm 2022, bệnh viện cùng với các lực lượng phòng, chống dịch của nhà trường tham gia công tác phòng, chống dịch tại chỗ; phối hợp hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định thực hiện công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, viên chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh Nam Định và viên chức người lao động của trường.
Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, PGS.TS Lê Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Điều dưỡng cho biết, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo song song với phát triển quy mô đào tạo thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyển sinh, mở thêm ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Bộ Y tế đã giao (năm học 2023 dự kiến quy mô tuyển sinh tăng 10%; Mở ngành đạo tạo Hộ sinh trình độ chuyên khoa I, nghiên cứu tính khả thi để mở ngành đào tạo điều dưỡng trình độ chuyên khoa II;
Tiếp tục cải thiện chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo; Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và viên chức; Tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và các hoạt động chuyên môn của trường; Cùng đó đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hoàn thành 100% các chỉ tiêu chiến lược chuyển đổi số;
"Chúng tôi đã nghe đại diện các vụ/cục của Bộ Y tế tham gia đoàn công tác trao đổi về nhu cầu nguồn nhân lực điều dưỡng, nữ hộ sinh thời gian tới là khá lớn để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, hội nhập điều dưỡng quốc tế... Do đó, nhà trường mong muốn Bộ Y tế giao chỉ tiêu cụ thể cho các trường, trong đó có Đại học Điều dưỡng để nhà trường có định hướng cụ thể nhằm nỗ lực đẩy mạnh quy mô tuyển sinh, đào tạo"- PGS.TS Lê Thanh Tùng nói.
Tiếp tục tập trung rà soát đổi mới chương trình, giáo trình và tài liệu dạy - học, đặc biệt trong đào tạo điều dưỡng
Tại buổi làm việc, phía nhà trường cũng đã làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác cán bộ; đề nghị một số nội dung liên quan đến việc Bộ Y tế xem xét điều chỉnh cơ chế hoạt động cho bệnh viện của trường; Bộ Y tế xem xét đưa 2 công trình vào vốn trung hạn của Bộ gồm đưa tòa nhà thư viện -Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục và Nhà đa năng… Lãnh đạo các cục/vụ tham gia đoàn công tác của Bộ Y tế đã trao đổi, phân tích những thuận lợi, khó khăn, gợi mở những giải pháp để Trường Đại học Điều dưỡng làm tốt nhiệm vụ được giao thời gian tới.
Qua nghe báo cáo tình hình hoạt động, định hướng phát triển của nhà trường, ý kiến các cục/vụ tham gia đoàn công tác, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Trường Đại học Điều dưỡng đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để hoàn thành những nhiệm vụ được giao, phát huy những thế mạnh thời gian tới, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cần tiếp tục giữ vững, phát huy tinh thần đoàn kết, trong đó đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng phải xác định mình là nòng cốt của đoàn kết vì sự phát triển của nhà trường.
Về công tác tổ chức, trường cần rà soát, sắp xếp và kiện toàn khoa, phòng theo quy định tại Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017, Nghị định 120/2020/NĐ-CP…. Chú trọng lộ trình tự chủ đại học để có chiến lược, kế hoạch phát triển cho phù hợp.
Liên quan đến công tác quy hoạch, nhà trường bám sát định hướng, tầm nhìn, triết lý giáo dục đã đặt ra để có Chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn 2030, định hướng 2045, trong đó phát triển đồng bộ cơ sở đào tạo và bệnh viện trường.
Thứ trưởng lưu ý nhà trường rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính, đảm bảo nhất quán nguyên tắc làm đúng quy định của pháp luật, đặc biệt trong quản lý tài chính, tài sản công, thu chi từ các dịch vụ công theo quy định…
Đối với công tác chuyên môn, trường cần tập trung rà soát đổi mới chương trình, giáo trình và tài liệu dạy-học, đặc biệt trong đào tạo điều dưỡng, hộ sinh theo lộ trình thi cấp chứng chỉ hành nghề vào 2028; cũng như hội nhập điều dưỡng
Về đề xuất mở mã ngành mới (đào tạo chuyên khoa I hộ sinh) đáp ứng nhu cầu nhân lực, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương giao các đơn vị liên quan của Bộ Y tế phối hợp với nhà trường để đẩy nhanh việc này, nếu bảo đảm yêu cầu theo quy định, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét; Đồng thời trường tiếp tục đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục.
Đối với chính sách đặc thù cho nghiên cứu khoa học về điều dưỡng, đề nghị trường cần bám sát chức năng, nhiệm vụ của điều dưỡng; Phối hợp chặt chẽ với Hội điều dưỡng, Hội Hộ sinh đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cần đánh giá kết quả triển khai giai đoạn vừa qua của bệnh viện, các thuận lợi, khó khăn và đề xuất cơ chế tự chủ bệnh viện trường trong giai đoạn tới để bảo đảm tính khả thi và lộ trình phát triển bệnh viện trường. Thứ trưởng giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nghiên cứu, đề xuất báo cáo lãnh đạo Bộ.
Về các đề xuất khác, Thứ trưởng giao các vụ/cục chức năng của Bộ theo nhiệm vụ được giao phối hợp với nhà trường để trao đổi, hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp.