Đại học hay học nghề: Quyết định nào tốt cho tương lai?
Chỉ còn 3 tháng nữa hơn 600.000 học sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trước ngưỡng cửa quan trọng này nhiều sĩ tử đang 'mắc kẹt' với lựa chọn học trường nào, ngành gì và học đại học hay học nghề?
Trước tình trạng tỷ lệ thất nghiệp, làm trái ngành nghề được đào tạo ngày càng tăng cao, học đại học hay học nghề vẫn đang là câu hỏi lớn của nhiều gia đình các sĩ tử, nhất là các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và con cái chỉ có lực học trung bình. Tâm lý xem nhẹ việc học nghề để muốn trở thành “thầy”, chứ không muốn làm “thợ” vẫn đè nặng lên mỗi phụ huynh và học sinh.
Thay đổi tư duy về bằng cấp…
Ở thời buổi coi trọng bằng cấp như hiện nay thì đa số phụ huynh đều muốn hướng con em theo đuổi tấm bằng đại học, coi bằng đại học như “bùa hộ mệnh” giúp nâng tầm giá trị bản thân, có được công việc mơ ước nhưng vô tình quên mất khả năng, học lực và đam mê của con mình. Vất vả mới có được tấm bằng ĐH, CĐ, nhưng không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng khiến nhiều em phải “giấu bằng” để làm công việc không đúng chuyên ngành đào tạo.
Sau đại dịch COVID-19, thị trường lao động Việt Nam phải chứng kiến hàng loạt ngành nghề, lao động rơi vào tình trạng không có việc làm. Đây cũng là yếu tố tác động đến xu hướng chọn ngành, nghề của học sinh, khi mà bằng ĐH, CĐ không phải là tấm “giấy thông hành” mà các em lựa chọn để tiến thân. Nắm bắt được thời điểm “vàng”, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hóa đã phối hợp với các trường THPT, đối tác, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tổ chức nhiều ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023 để định hướng nghề, thông tin về xu hướng thị trường lao động trong nước và quốc tế, giới thiệu việc làm cho thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Em G, học sinh trường THPT Tô Hiến Thành tâm sự: “Học lực của em hơi kém so với các bạn trong lớp. Em đã tham khảo nhiều trường nhưng chưa “chốt” được. Em có tham gia buổi hướng nghiệp của Trung tâm Giáo dục thường xuyên và quyết định chọn học nghề spa, nail… với chi phí học nghề phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, có việc làm và thu nhập ngay sau khi hoàn thành. Đặc biệt, môi trường làm việc của nghề này phù hợp với em bởi em được thoải mái sáng tạo”.
Còn D, học sinh lớp 12 Trường THPT Hàm Rồng cho biết: “Em nhận thấy việc học đúng ngành và ra làm đúng ngành giờ đây khá ít, nên việc trang bị những kỹ năng trong quá trình học đại học là việc rất quan trọng. Nhưng, bố mẹ lại muốn em chọn theo ngành kế toán để ra trường không lo bị thất nghiệp”.
Công thức "ngành “hot” + trường “top” = công việc tốt" liệu có đúng?
Trên thực tế, không có hướng đi nào đúng và hướng đi nào sai cả. Học nghề hay học đại học đều tốt, quan trọng là phải đam mê và nỗ lực hết mình với lựa chọn của mình.
Việc xác định được ngành học phù hợp và định hình một lộ trình nghề nghiệp từ sớm luôn quan trọng với sự thành công của các em trong tương lai. Vì vậy, cùng với sự định hướng ngành nghề từ phía gia đình và nhà trường, mỗi học sinh cần phân tích, dựa vào các yếu tố như đam mê, sở thích, năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội, để chọn hướng đi phù hợp.