Đại học Huế: Tuyển sinh khối C là sứ mệnh
HNN - Khối C (văn - sử - địa) là một trong những khối thi truyền thống lâu đời trong hệ thống tuyển sinh đại học ở Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều trường đại học giảm chỉ tiêu hoặc bỏ xét tuyển khối C, Đại học Huế vẫn duy trì tuyển sinh khối này, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong định hướng đào tạo của Đại học Huế.

Trường Đại học Sư phạm tổ chức hướng nghiệp cho học sinh
Theo TS. Lê Văn Tường Lân, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Huế, lo ngại về đầu ra, cơ hội việc làm của một số ngành khối C, cùng với xu hướng thị trường lao động và sự suy giảm số lượng thí sinh chọn khối này, nhiều trường đã giảm hoặc ngừng xét tuyển khối C. Ngoài ra, một số ý kiến chưa đánh giá đúng vai trò của các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Tuy nhiên, việc một số trường dừng hoặc giảm xét tuyển khối C không đồng nghĩa với việc khối C không còn giá trị. Thực tế, vẫn có nhiều lĩnh vực và địa phương cần nguồn nhân lực có nền tảng xã hội học, nhân văn, luật pháp, giáo dục… Đại học Huế vẫn duy trì tuyển sinh khối C nhằm thể hiện tư duy chiến lược lâu dài và trách nhiệm với cộng đồng, không chạy theo thị hiếu ngắn hạn. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ cân bằng hệ sinh thái giáo dục và đảm bảo phát triển toàn diện nguồn nhân lực cho xã hội.
Thông tin chính thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của Đại học Huế vừa ban hành cho thấy, với ngành luật và luật kinh tế của Trường Đại học Luật vẫn tuyển sinh khối C với các tổ hợp như văn - sử - địa, văn - sử - giáo dục công dân, văn - địa - giáo dục công dân. Tại Trường Đại học Nông Lâm với các ngành bất động sản, phát triển nông thôn tuyển sinh khối C với tổ hợp văn - sử - địa; ngoài ra một số ngành tuyển sinh tổ hợp toán - văn - sử, toán - văn - địa… Trường Đại học Sư phạm tuyển khối C cho các ngành giáo dục công dân, giáo dục tiểu học, giáo dục chính trị, các ngành sư phạm văn, sư phạm sử, sư phạm địa lý. Nhiều ngành học tại Trường Đại học Khoa học tuyển sinh khối C như Hán - Nôm, ngữ văn, lịch sử, địa lý, báo chí, quản lý văn hóa, xã hội học, Đông phương học…
TS. Lê Văn Tường Lân khẳng định, khối C có vai trò quan trọng trong định hướng, đào tạo nguồn nhân lực. Học sinh khối C thường có khả năng viết, trình bày, lập luận logic, phân tích vấn đề từ nhiều chiều là kỹ năng rất cần thiết trong các nhóm ngành nghề khoa học xã hội - nhân văn. Có thể kể đến các ngành sư phạm như giáo dục tiểu học, sư phạm ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục pháp luật… Ngành luật học cần năng lực ngôn ngữ, tư duy phản biện, hiểu biết lịch sử - xã hội. Với báo chí, truyền thông cần năng lực viết, phân tích các vấn đề về xã hội, chính trị. Các ngành văn hóa, du lịch, quản lý nhà nước cần hiểu biết sâu về văn hóa, lịch sử dân tộc là điều kiện tiên quyết. Đây là những ngành đặc biệt cần thiết để xây dựng nền tảng tinh thần, giá trị và sự ổn định xã hội - điều không thể thay thế bởi công nghệ hay máy móc.
Khối C có ý nghĩa quan trọng với xã hội như giữ gìn bản sắc dân tộc. Những người học văn - sử - địa thường làm tốt công tác lưu giữ và truyền đạt giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc cho thế hệ sau. Tổ hợp này còn phát triển tư duy phản biện và đạo đức xã hội, giúp hình thành người công dân có trách nhiệm.
Đại học Huế với vai trò phát triển giáo dục khu vực miền Trung và Tây Nguyên nên duy trì tuyển sinh khối C là hợp lý, gắn nhiệm vụ đào tạo với nhiệm vụ chiến lược phát triển khu vực, bảo tồn di sản và thúc đẩy du lịch - văn hóa của vùng miền, đất nước. Đây là chiến lược phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhân lực đặc thù của khu vực, đồng thời cam kết phát triển bền vững.
Theo TS. Lê Văn Tường Lân, không thể “đồng hóa” giáo dục theo xu hướng STEM hoàn toàn, mặc dù các ngành kỹ thuật, công nghệ đang “lên ngôi”. Xã hội không thể phát triển toàn diện nếu thiếu nhân lực có chiều sâu về văn hóa, xã hội. Khối C là nền móng tinh thần, kết nối khoa học xã hội và tự nhiên tạo nên bản sắc riêng của Đại học Huế.