Đang rà soát, điều chỉnh sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành
Nhiều nội dung trong sách giáo khoa không còn phù hợp với thực tế sau khi sáp nhập tỉnh, thành nên cần phải thay đổi.
Sau sắp xếp địa giới hành chính cấp tỉnh và thực hiện chính quyền 2 cấp từ ngày 1-7, nhiều ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) không còn phù hợp với thực tế và cần phải thay đổi.

Sách giáo khoa một số môn học sẽ được chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Ủy viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam cho biết NXB đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức bản thảo và các ban biên tập rà soát, thống kê nội dung về yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế xã hội, liên quan đến thay đổi địa giới hành chính và chính quyền 2 cấp; báo cáo Bộ GD&ĐT xin ý kiến chỉ đạo để chỉnh sửa.
“Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành nội dung chỉnh sửa, cập nhật trong chương trình một số môn học như Bộ đã thông báo trước đó, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tiến hành chỉnh sửa SGK, trình Bộ thẩm định theo đúng quy trình” - ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, nguyên tắc cập nhật các nội dung về yêu cầu cần đạt, về kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế xã hội… Mục đích hạn chế thấp nhất việc chỉnh sửa nội dung của SGK.
“Trong thời gian chờ đợi SGK được chỉnh sửa, cập nhật theo địa giới hành chính và chính quyền 2 cấp, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, giáo viên và học sinh sẽ tiếp tục sử dụng SGK hiện hành.
Bộ GD&ĐT sẽ có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về việc này, tinh thần các nhà trường, thầy cô giáo sẽ chủ động trong việc điều chỉnh ngữ liệu, nội dung bài học, chủ đề dạy học trên cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương và chính quyền 2 cấp.
“Ở góc độ NXB Giáo dục Việt Nam, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường và giáo viên sử dụng SGK hiện hành theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT” - ông Tùng nói.
Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết thêm, hiện SGK phục vụ cho năm học 2025-2026 đang được in và nhập kho để cung cấp cho các nhà trường. Dự kiến khoảng tháng 7 này, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu SGK cho học sinh và giáo viên trong năm học mới.
Trước đó, vào ngày 14-6, Bộ GD&ĐT đã xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5, lớp 9; Địa lý lớp 12; Lịch sử và Giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10.
Theo đó, các môn này sẽ thực hiện các bước theo quy định để chỉnh sửa chương trình môn học làm căn cứ thực hiện chỉnh sửa sách giáo khoa, như cập nhật yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế - xã hội...
Việc chỉnh sửa chương trình môn học được thực hiện trên nguyên tắc hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi sách giáo khoa, tăng cường hướng dẫn để giáo viên, nhà trường chủ động thực hiện chương trình theo thẩm quyền cho phù hợp với thực tế.
Bộ GD&ĐT đang khẩn trương hoàn tất rà soát, đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 để cập nhật, điều chỉnh một số môn học nhằm bảo đảm chương trình được triển khai phù hợp với thực tiễn; đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng giai đoạn. Trong đó, có các môn học bị ảnh hưởng do điều chỉnh địa giới hành chính.
Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân có sách giáo khoa được phê duyệt, chỉnh lý nội dung cần thiết để cập nhật thông tin hành chính mới theo hướng bảo đảm tính ổn định của sách giáo khoa, hiệu quả trong triển khai dạy học.