Đại học Ivy League bị cáo buộc thiên vị tuyển sinh

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đưa ra kết luận ĐH Yale đã quá đặt nặng vấn đề chủng tộc của ứng viên trong việc xét duyệt hồ sơ tuyển sinh, điều này vi phạm luật dân quyền liên bang.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ gần đây tuyên bố một cuộc điều tra kéo dài 2 năm về quy trình tuyển sinh của ĐH Yale đã phát hiện ra ngôi trường thuộc Ivy League này có sự phân biệt đối xử bất hợp pháp với người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Á trong quá trình tuyển sinh đại học đầy khốc liệt.

ĐH Yale đã "dứt khoát phủ nhận cáo buộc này".

Hiệu trưởng ĐH Yale, ông Peter Salovey, cũng tuyên bố rằng nhà trường sẽ tiếp tục xem xét vấn đề chủng tộc trong quá trình tuyển sinh và nhắc lại cam kết của Yale đảm bảo sự đa dạng sắc tộc, văn hóa trong các khóa sinh viên tiếp theo.

Đại học Yale

Đại học Yale

Là điểm "nóng" trong nhiều năm

Vấn đề cân nhắc yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh, một điểm nóng trong các cuộc chiến văn hóa của Mỹ, đã thu hút sự quan tâm của phụ huynh, sinh viên, các nhà giáo dục và các nhà hoạt động suốt nhiều thế hệ. Các trường danh tiếng là ĐH Brown và ĐH Dartmouth cũng từng bị điều tra sau khi một nhóm sinh viên người Mỹ gốc Á gửi cáo buộc tương tự.

Trước khả năng những cáo buộc tiến triển thành một vụ kiện, ban lãnh đạo của ĐH Yale được tư vấn nên tham khảo vụ kiện năm ngoái đối với ĐH Harvard khi họ tìm cách bảo vệ quy trình tuyển sinh của mình.

Gần đây nhất, vào năm 2019, Tòa án Quận đã bác bỏ tuyên bố của nguyên đơn rằng ĐH Harvard vi phạm luật dân quyền vì cân nhắc yếu tố chủng tộc trong quá trình tuyển sinh.

Mặc dù đồng ý “quy trình tuyển sinh của Harvard có thể không hoàn hảo”, thẩm phán kết luận sự chênh lệch về mặt thống kê theo chủng tộc giữa các nhóm ứng viên “không phải là kết quả của bất kỳ sự thù địch chủng tộc hay định kiến có ý thức nào”.

Trong số những học sinh được nhận vào ĐH Harvard năm 2019, 25,4% được xác định là người Mỹ gốc Á, 14,8% là người Mỹ gốc Phi, và 12,4% là người gốc Latinh. Phần còn lại, chiếm đa số, là học sinh da trắng.

Thẩm phán cũng nhận thấy ĐH Harvard đã “điều chỉnh một cách hạn chế” việc sử dụng yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh để đạt được lợi ích cuối cùng là tạo ra một môi trường giáo dục đa dạng.

Tuy nhiên, nguyên đơn không chấp nhận phán quyết của tòa và vụ kiện tiếp tục được chuyển lên Tòa phúc thẩm. Bộ Tư pháp nằm trong số các tổ chức gửi bản đệ trình kêu gọi tòa phúc thẩm chấm dứt hệ thống tuyển sinh nhiều bất cập hiện tại của ĐH Harvard.

Vụ việc được nhiều người cho là có tác động sâu rộng tới quy trình tuyển sinh cho các trường đại học trên toàn quốc.

Hội Sinh viên vì tuyển sinh công bằng (SFFA) đã lập luận trong đơn đệ trình trước đó, cáo buộc ĐH Harvard cố gắng “tham gia vào việc cân bằng chủng tộc” bằng cách “áp dụng nhiều hình phạt phân biệt đối xử với các ứng viên người Mỹ gốc Á” như kỳ vọng điểm số hay thành tích học tập xuất sắc hơn. ĐH Harvard cũng bị cáo buộc “đã không xem xét các lựa chọn thay thế trung lập về chủng tộc một cách thiện chí — chưa nói đến việc sử dụng các lựa chọn thay thế khả thi”.

Một giải pháp khả thi do luật sư đề xuất yêu cầu ĐH Harvard và các trường đại học danh tiếng khác chấm dứt tuyển sinh vận động viên và con cái của cựu học sinh để bù lại những suất trúng tuyển cho học sinh da trắng đến từ gia đình khá giả.

Ngược lại, các trường đại học vẫn từ chối yêu cầu loại bỏ yếu tố chủng tộc khỏi quy trình tuyển sinh.

Hiệu trưởng ĐH Harvard, ông Lawrence S. Bacow, đã viết trong lá thư gửi học sinh: “Việc xem xét yếu tố chủng tộc, cùng với nhiều yếu tố khác, giúp chúng tôi đạt được mục tiêu tạo ra một đội ngũ sinh viên đa dạng, làm phong phú thêm kho tàng tri thức của mỗi sinh viên. Tất cả mọi người được nhận vào ĐH Harvard đều có một nét gì đó độc đáo để cống hiến cho cộng đồng của chúng ta. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của sự đa dạng, và tất cả những gì nó đại diện cho thế giới”.

Mai Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-hoc/dai-hoc-yale-doi-dien-voi-cao-buoc-thien-vi-tuyen-sinh-670478.html