Đại học Pháp ngữ đồng hành, hỗ trợ các cơ sở giáo dục Việt Nam
Đại diện Đại học Pháp ngữ vừa có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc về sự hợp tác, hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Trong đó có 47 trường đại học đang làm thành viên của ĐH Pháp ngữ.
Giám đốc Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Đại học Pháp ngữ, ngài Nicolas Mainetti vừa có buổi thăm và làm việc với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc. Các vấn đề về hợp tác giáo dục giữa 2 quốc gia được đưa ra thảo luận.
Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1961. Hiện nay mạng lưới trường đại học thành viên của Tổ chức gồm hơn 1000 cơ sở đào tạo thuộc 119 quốc gia trên thế giới.
Mục đích và sứ mạng của Tổ chức Đại học Pháp ngữ là kết nối các đại học, trường đại học có sử dụng tiếng Pháp trong đào tạo trên khắp thế giới, nhằm hình thành một cộng đồng Pháp ngữ trong lĩnh vực giáo dục đại học vì sự phát triển bền vững và đoàn kết, trong đó đề cao việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các nơi mà Tổ chức Đại học Pháp ngữ có mặt.
Các ưu tiên của AUF tập trung vào 5 nội dung lớn: Chuyển đổi số và quản trị đại học; Cơ hội việc làm và khởi nghiệp; Mạng lưới và hợp tác quốc tế; Đào tạo giáo viên, giảng viên và đổi mới sư phạm; Nghiên cứu và tôn vinh kết quả nghiên cứu.
Tại châu Á, Tổ chức Đại học Pháp ngữ có các cơ sở giáo dục đại học ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar… Tại Việt Nam, cho tới nay đã có 47 trường đại học của Việt Nam là thành viên Tổ chức Đại học Pháp ngữ.
AUF đã hỗ trợ Việt Nam triển khai một số dự án chuyển giao công nghệ như xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chuyên ngành cấp bằng đại học và thạc sĩ bằng tiếng Pháp kéo dài trong gần 20 năm với tổng số gần 50 chương trình đào tạo.
Chương trình song ngữ ở bậc phổ thông đào tạo tiếng Pháp từ tiểu học đến trung học phổ thông đến nay vẫn đang thực hiện. Tính riêng giai đoạn từ 2018 đến 2022 có khoảng hơn 40 dự án được triển khai.
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Bộ GD&ĐT và Tổ chức Đại học Pháp ngữ đã ký Thỏa thuận hợp tác từ năm 2019, sau đó các năm 2020, 2021 đều có hỗ trợ một số hạng mục về trang thiết bị, nghiên cứu khảo sát về hợp tác đại học doanh nghiệp. Những hoạt động chuyên môn, nghiên cứu, khảo sát được các trường đại học tại Việt Nam thực hiện hào hứng, tích cực.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, do đó, cần có sự hướng dẫn, học hỏi của các trường đại học, các tổ chức trên thế giới trong đó có Tổ chức Đại học Pháp ngữ.
Ngoài ra, với quyền tự chủ như hiện nay, các trường đại học của Việt Nam mong muốn sẽ đẩy mạnh hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học trên thế giời. Đồng thời thu hút được nhiều học sinh, sinh viên các nước trên thế giới đến học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
Trước những vấn đề mà Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, ngài Nicolas Mainetti thông tin: Văn phòng DRAP-AUF được thành lập và đặt tại Hà Nội từ năm 1993, điều hành mạng lưới 87 thành viên ở 12 quốc gia thuộc khu vực này.
DRAP- AUF đang tập trung các hoạt động liên quan đến các chủ đề quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ như tạo cơ hội việc làm và hội nhập chuyên môn qua sự củng cố của các đối tác với những chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Hỗ trợ việc sáng tạo các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp và củng cố các bộ môn tiếng Pháp ở các trường đại học. Xây dựng và phát triển mô hình đào tạo hỗn hợp từ mô hình đào tạo truyền thống có sẵn. Hỗ trợ việc sáng tạo giảng dạy ở bậc đại học trong khu vực Thái Bình Dương, các dự án nghiên cứu về dịch vụ phát triển ở địa phương và toàn cầu…
Ông Nicolas Mainetti hy vọng rằng, trong thời gian tới Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Đại học Pháp ngữ sẽ tiếp tục có những chương trình, dự án đồng hành cùng các trường đại học nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh quốc tế hóa, tăng cường hội nhập.