Đại học Quốc gia TP.HCM tăng cường mời giáo sư quốc tế, sinh viên kỳ vọng điều gì?
Tiếp tục đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) công bố danh sách 12 giáo sư thỉnh giảng quốc tế đợt 2 năm 2025 đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Sự hiện diện của các chuyên gia uy tín này khiến sinh viên không khỏi hào hứng.
Mới đây, ĐHQG TP.HCM vừa công bố danh sách 12 giáo sư quốc tế được tuyển chọn trong đợt 2 của Chương trình Giáo sư thỉnh giảng năm 2025. Đây đều là những nhà khoa học hàng đầu đến từ các đại học danh tiếng như ĐH Oxford, ĐH Harvard, ĐH Sydney, ĐH Tohoku, ĐH KU Leuven, trường ĐH Tours, ĐH Sains Malaysia cùng nhiều viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ tại Anh, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Đức, Malaysia và Australia.

Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Internet
Chương trình Giáo sư thỉnh giảng là sáng kiến trọng điểm của ĐHQG TP.HCM nhằm kết nối trí thức toàn cầu, thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam.
Theo thông báo kết luận của Hội đồng tư vấn chương trình, các giáo sư sẽ tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các đơn vị trực thuộc ĐHQG TP.HCM như trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Khoa học Sức khỏe, trường Đại học An Giang và Viện Công nghệ Nano.


Danh sách 12 giáo sư thỉnh giảng. Ảnh chụp màn hình.
Lĩnh vực chuyên môn của các giáo sư trải rộng, bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, kỹ thuật sinh học, vật liệu oxit kim loại, miễn dịch học, địa kỹ thuật, thần học và y sinh học. Sự đa dạng trong chuyên môn không chỉ góp phần làm phong phú môi trường học thuật mà còn mở ra nhiều hướng hợp tác nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam.

Dương cho rằng đây là "cách để mình hiểu họ kỳ vọng gì ở thế hệ trẻ và thể hiện sự trân trọng với những giá trị mà họ mang đến". Ảnh: Trang Huyền
Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, bạn Võ Phạm Minh Dương (sinh năm 2006, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Mình cảm thấy rất hào hứng vì đây là cơ hội quý giá để tiếp cận tri thức toàn cầu từ các chuyên gia hàng đầu. Mình kỳ vọng được tiếp cận tư duy phản biện hiện đại, phương pháp học thuật chuẩn quốc tế và cách đặt câu hỏi đúng trọng tâm. Quan trọng hơn, mình hy vọng được truyền cảm hứng để học tập nghiêm túc và chủ động”.
Cũng hào hứng không kém, bạn Nguyễn Anh Tú (sinh năm 2006, trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) bày tỏ: “Thế hệ đi sau như tụi mình luôn mong muốn học hỏi từ những người đi trước, đặc biệt là các giáo sư, tiến sĩ đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Được tiếp xúc và lắng nghe kinh nghiệm thực tế từ họ là điều vô cùng quý giá, mình kỳ vọng được học hỏi nhiều kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và những góc nhìn mới mẻ từ các giáo sư đến từ các trường đại học danh tiếng quốc tế”.

Anh Tú không giấu nổi sự hào hứng khi biết tin. Ảnh: Trang Huyền
Trước đó, vào ngày 21/4 - đợt 1 của chương trình đã mời 16 giáo sư, chuyên gia quốc tế từ các cơ sở giáo dục uy tín như trường Y Harvard, Đại học Toronto, Đại học Kỹ thuật Munich... và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên.